Trẻ em tham gia show truyền hình quá sớm: Được hay mất?

Hà Thu| 22/04/2016 13:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trở nên nổi tiếng hơn hay trở thành những đứa trẻ “gà công nghiệp” khi tham gia các chương trình truyền hình từ rất sớm.

Những ngày gần đây, dư luận lại có dịp bàn luận sôi nổi chuyện Trung Quốc vừa ban hành lệnh cấm trẻ em tham gia các show truyền hình tìm kiếm tài năng nhí. Mới đây nhất là lệnh cấm đối với “Bố ơi, mình đi đâu thế” của show truyền hình ăn khách nhất hiện nay ở Trung Quốc.

Trẻ em tham gia show truyền hình quá sớm: Được hay mất?

"Bố ơi, mình đi đâu thế" phiên bản Trung Quốc

Ăn theo chương trình này, loạt đài truyền hình lớn thực hiện các show thực tế tương tự cũng với mô típ “cha mẹ nổi tiếng và con tham gia”.
Nhiều em là con của các nghệ sỹ nổi tiếng, vốn là cậu ấm, cô chiêu bỗng chốc trở thành sao chỉ sau một đêm diễn. Các em được truyền thông ưu ái gọi là “ngôi sao mới”, “thần đồng showbiz”. Cùng với đó là cát-xê ở mức trên trời.

Theo Tổng Cục điện ảnh Trung Quốc lý giải thì trẻ em bị xâm phạm đến quyền riêng tư, bị khai thác hình ảnh quá đà vì mục đích thương mại, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý khi tham gia các gameshow truyền hình. Mặc dù mang tính giải trí, vui chơi đơn thuần nhưng trên thực tế, đằng sau ống kính, các em cũng bị yêu cầu thực hiện các cảnh quay chuyên nghiệp như người lớn.

Trẻ em tham gia show truyền hình quá sớm: Được hay mất?

Bố ơi, mình đi đâu thế mùa 2 đang được phát sóng trên kênh VTV3

Trở lại với các show truyền hình tại Việt Nam có sự tham gia của trẻ em mọc lên như “nấm sau mưa” trong khoảng vài năm trở lại đây. Có thể kể tên một loạt các show truyền hình giải trí, tìm kiếm tài năng nhí hiện nay như: Giọng hát Việt nhí, Chung sức Kids, Bước nhảy hoàn vũ nhí, Gương mặt thân quen nhí, Người hùng tí hon, Đồ rê mí, Tìm kiếm tài năng MC nhí - Young MC Talent, Young hit Young beat - Nhí tài năng, Con biết tuốt, Bố ơi, mình đi đâu thế?, Cha con hợp sức… Ngoài ra, trong một số show truyền hình khác cũng xuất hiện các thí sinh nhí như: Tìm kiếm tài năng Việt, Thách thức danh hài,.... Năm 2016, lên sóng chương trình mới là “Siêu nhí tranh tài” và sắp tới là “Thần tượng âm nhạc nhí”.

Sau chuyện Trung Quốc ban hành lệnh cấm, kiểm soát chặt chẽ các show truyền hình dành cho trẻ em, dư luận trong nước cũng đem vấn đề này ra mổ xẻ, bàn luận. Đây cũng không phải lần đầu, việc trẻ em tham gia các show truyền hình quá sớm được dư luận quan tâm.

Không phủ nhận sạch trơn những khía cạnh tích cực, nhưng việc phát triển về số lượng các chương trình truyền hình thực tế cho trẻ em như hiện nay lại khiến nhiều người lo lắng. Bởi sự nổi tiếng từ quá sớm kèm theo những lời tung hô, khen ngợi quá sớm dành cho các em ở độ tuổi quá nhỏ sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển toàn diện của các em.

Trẻ em tham gia show truyền hình quá sớm: Được hay mất?

Thủy Tiên và Công Vinh muốn con gái " lớn lên như người bình thường"

Hơn nữa, showbiz của những người nổi tiếng thường gắn liền với những tai bay vạ gió sẽ ảnh hướng đến quá trình lớn lên của các em. Còn nhớ nữ ca sỹ Thủy Tiên từng bức xúc khi nhiều người bày tỏ bức xúc khi vợ chồng cô không muốn cô con gái Bánh Gạo xuất hiện trước truyền thông sớm vì “muốn bé được phát triển như những trẻ em bình thường khác”.

“Với những lời ca ngợi nhiều khi hơi quá đà của mọi người, trẻ có thể hơi ảo tưởng về bản thân. Từ đó, trẻ dễ rơi vào suy nghĩ chủ quan hoặc thiếu khiêm tốn. Với lý do này, trẻ có thể mắc các sai lầm hoặc thất bại và điều đó lại làm trẻ một lần nữa điêu đứng”- Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục trẻ nhỏ đang giảng dạy tại Đại học sư phạm Hà Nội từng chia sẻ với báo chí cách đây ít ngày.

Liên quan đến show truyền hình ăn khách Bố ơi, mình đi đâu thế phiên bản Trung Quốc bị cấm phát sóng, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Sản xuất của chương trình đồng thời đại diện cho VTV (đơn vị phát sóng) trên báo Dân trí cho biết: “Việc thực hiện các chương trình truyền hình liên quan đến trẻ em luôn phải cẩn trọng bởi mặt trái của nó là dễ gây phản ứng do sa đà vào yếu tố câu khách nhằm tạo ra giá trị thương mại. Đôi khi, nhà sản xuất không cố ý nhưng đã vô tình tạo cho các bé những vẻ ngoài hào nhoáng, ngộ nhận tài năng, sự nổi tiếng… Mặt khác, cha mẹ của các bé cũng đóng vai trò quan trọng khi định hướng con cái tham gia các show thực tế”.

Trẻ em tham gia show truyền hình quá sớm: Được hay mất?

Trẻ em tham gia show truyền hình quá sớm: Được hay mất?

Những ông bố nổi tiếng của Bố ơi, mình đi đâu thế được khán giả ủng hộ

Cũng theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, “Bố ơi, mình đi đâu thế” phiên bản Việt là một chương trình ý nghĩa và khơi gợi những giá trị tốt đẹp về sự yêu thương, là bài học cuộc sống và cách làm bố cho chính những người nổi tiếng vì đôi khi vì quá bận rộn, họ quên mất nhiệm vụ với gia đình và với con cái.

Trên thực tế, trẻ em trở thành đối tượng để các chương trình truyền hình khai thác ở mọi khía cạnh. Từ những cuộc thi ca nhạc, tạp kỹ đến những góc máy quay cận cảnh đời thường trở thành mối quan tâm đặc biệt của công chúng. Khán giả phát cuồng với một Đức Vĩnh 8 tuổi uyển chuyển, điêu luyện trên sân khấu Vietnam’s Got Talent 2015, một Thiện Nhân làm mê hoặc người xem bởi giọng hát đầy nổi lực mà tình cảm trong Giọng hát Việt nhí 2014, hay như một Phương Mỹ Chi ngọt ngào trong những điệu hát dân ca… Thế nhưng đằng sau những thành công nổi bật đó, các em vẫn là những cô bé, cậu bé đang ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa đến”…

Trẻ em tham gia show truyền hình quá sớm: Được hay mất?

Đức Vĩnh- Quán quân Tìm kiếm tài năng Việt Nam 2015

Còn nhớ Giọng hát Việt nhí 2015 vừa qua, khi cô bé Hồng Minh đăng quang ngôi vị Quán quân, nhiều ý kiến trái chiều xung quanh « công chúa tóc mây ». Chỉ ít giờ sau khi đăng quang, “Công chúa tóc mây” Hồng Minh phải đối mặt với áp lực lớn từ phía dư luận. Nhiều người cho rằng sự hỗ trờ từ Mỹ Tâm là lý do để Hồng Minh đăng quang Quán quân Giọng hát Việt nhí 2015 trong khi cậu bé Công Quốc, team Cẩm Lý mới xứng đáng. Mẹ của Hồng Minh đã không kìm được nước mắt khi chia sẻ những cảm xúc của bé và gia đình đã trải qua kể từ sau khi cuộc thi kết thúc.

Trẻ em tham gia show truyền hình quá sớm: Được hay mất?

Hồng Minh- Mỹ Tâm trong đêm Chung kết Giọng hát Việt nhí 2015

Hoa hậu Ngọc Hân từng bày tỏ sự lo lắng khi chia sẻ về  về ước mơ nổi tiếng của đứa cháu gái trong buổi góp ý văn kiện Đại hội Đảng cách đây không lâu. Hoa hậu Việt Nam 2010 có lý khi lo lắng giới trẻ ngày nay dễ dàng nổi tiếng quá và chạy theo hào nhoáng showbiz dù tài năng chưa có, cộng thêm công nghệ lăng xê của truyền thông đã làm ảnh hưởng xấu đến tâm lý con trẻ. Mong phụ huynh đừng biến con mình thành đứa trẻ công nghệ, thực hiện những ước mơ do người lớn lập trình, để tuổi thơ em được bình yên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trẻ em tham gia show truyền hình quá sớm: Được hay mất?