Câu chuyện phục trang cho phim Việt: Dễ hay khó?

Hà Thu| 16/11/2017 08:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhân vật nào, trang phục nấy, bao nhiêu nhân vật là từng ấy trang phục mà người làm phục trang cho phim phải tính toán kỹ lưỡng từng chi tiết nhỏ nhất, từ đường kim mũi chỉ hay chỉ là một miếng vá… để thể hiện đúng tính cách của mỗi nhân vật trên phim.

Đằng sau lớp yếm mỏng trên sóng truyền hình…

Sau Sống chung với mẹ chống, Người Phán xử, bộ phim truyền hình “Thương nhớ ở ai” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh và Bùi Thọ Thịnh lại nhận được sự quan tâm đặc biệt của khán giả.

Lấy cảm hứng từ tiểu thuyết “Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng với độ dài 34 tập, Thương nhớ ở ai khắc họa số phận bi kịch của những người phụ nữ nông thôn thời hậu chiến. Làng Đông - bối cảnh trong phim là một làng quê Bắc Bộ điển hình. Trải qua hai cuộc kháng chiến, ngôi làng vắng bóng đàn ông, chỉ còn những người đàn bà góa, ngày ngày tụ tập ở bến nước đầu làng. Họ không chỉ chịu nỗi đau mất mát người thân mà còn bị giam cầm, trói buộc bởi những định kiến, hủ tục, hà khắc. Phải đè nén, chôn giấu những khát khao hạnh phúc cá nhân. Phim có sự tham gia của nhiều diễn viên nổi tiếng như: Thanh Hương, Lâm Visay, Ngọc Anh, Hồng Kim Hạnh…

Câu chuyện phục trang cho phim Việt: Dễ hay khó?

Một cảnh trong phim Thương nhớ ở ai

Sau 3 tập phát sóng, bộ phim nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía khán giả nhưng cũng dấy lên nhiều tranh cãi quanh chuyện dàn diễn viên nữ mặc áo yếm, không mặc nội y, để lộ bầu ngực sau lớp yếm mỏng ngay trên sóng truyền hình. Thế nhưng, như cách nói của họa sĩ Nguyễn Dũng Minh, người đảm nhận phục trang cho bộ phim này nói: “Người ta chỉ muốn nhìn cái người ta muốn nhìn, muốn nghe cái mình muốn nghe”. Chung quy lại cũng là góc nhìn của mỗi người, ai cũng có quan điểm của riêng mình. Trong chuyện “áo yếm” của Thương nhớ ở ai, tác giả bài viết lại quan tâm nhiều hơn đến câu chuyện đằng sau đấy. Vì cớ gì, nhà sản xuất lại đi đến quyết định táo bạo, lột tả một cách chân thực bối cảnh diễn ra như thế.

Là người đã tham gia thiết kế, lên concept cho nhiều dự án lớn có liên quan đến lịch sử, văn hóa, phong tục tập của người Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, có thể kể ra đây dự án tạo hình nhân vật và thiết kế phục trang, đạo cụ và bối cảnh cho bộ phim Chiếu dời đô- tiền thân của Khát Vọng Thăng Long của đạo diễn Lưu Trọng Ninh (năm 2009), nghiên cứu phong tục tập quán, và con người cho dự án Phục dựng Hà Nội đầu thế kỷ XX bằng công nghệ 3D(2009),…Nguyễn Dũng Minh là người hiểu hơn ai hết bối cảnh lịch sử trong phim Thương nhớ ở ai và vì sao lại chọn áo yếm, không có nội y cho các nữ diễn viên trong phim.

Câu chuyện phục trang cho phim Việt: Dễ hay khó?

Hình ảnh phụ nữ Việt mặc áo yếm vào đầu thế kỷ 20

Anh kể: “Đằng sau lớp yếm mỏng mà kỳ thực không phải mỏng quá đâu là câu chuyện về lịch sử, về văn hóa, về phong tục tập quán của người Việt ở cái thời mà Thương nhớ ở ai diễn ra”. Theo những gì anh kể lại, ngay sau khi nhận lời mời của đạo diễn Lưu Trọng Ninh làm phục trang cho phim, anh đã vận dụng những kinh nghiệm đã có trước đó của mình, cả những tư liệu, hình ảnh về trang phục của người Việt xưa, trong đó có áo yếm, để lên ý tưởng và tiến hành làm phục trang sao cho phù hợp với bối cảnh lịch sử của bộ phim.

Trước năm 1954, đời sống đô thị chỉ có ở thành phố lớn, còn phim "Thương nhớ ở ai" chủ yếu lấy bối cảnh nông thôn. Phim chia ra làm 3 giai đoạn từ 1954-1964, 1964-1974, 1974 đến những năm 80. Và bộ phim tập trung ở hai giai đoạn sau, từ 1964 đến đến những năm 80. Thời kỳ này là một thời kỳ có nhiều sự thay đổi về cách ăn mặc, sự du nhập và kết hợp của những kiểu quần áo khác nhau. Trong giai đoạn 1954-1964, trang phục của phụ nữ nông thôn là áo yếm mặc trong, bên ngoài là áo cánh, áo tứ thân đi với váy đụp. Sang đến thời kỳ sau, những người trẻ tuổi mới mặc áo sơ-mi với coóc-xê bằng vải, còn nhiều người già, trung niên vẫn mặc áo yếm, chỉ một số ít mặc áo cánh với coóc-xê vải.

Bên cạnh những tư liệu và hình ảnh mà Nguyễn Dũng Minh đã có từ trước, anh còn đến trực tiếp một vài ngôi làng, gặp gỡ, trò chuyện với những người cao niên trong làng để tìm hiểu về trang phục của người Việt ở thời điểm đó, đặc biệt là thói quen mặc áo yếm của người phụ nữ ở nông thôn ngày xưa. Khi đó, họa sĩ Nguyễn Dũng Minh mới dám chắc chắn với đạo diễn Lưu Trọng Ninh rằng, ở thời điểm đó phụ nữ mặc áo yếm ở nhà là chuyện bình thường, thậm chí các bà, các mẹ còn mặc cả khi ra đồng, tát nước, bắt cá bắt cá, và đặc biệt khi ở nhà. Ở thời đó, không gian sống ở nông thôn cũng khác so với bây giờ, không đông đúc như bây giờ, mà nhà nọ cách nhà kia phải một đoạn, hơn nữa, khi nhà này sang nhà kia, họ thường đánh tiếng trước để cho chủ nhà biết mà khoác thêm áo cánh bên ngoài. Chứ thời đó người ta đâu biết áo ngực là gì, áo yếm chính là áo nội y của phụ nữ, nhưng nó là mảnh vải hình tam giác, được thắt lại ở sau lưng, cũng vô cùng khéo léo.

Chân thực là một trong những yêu cầu hàng đầu của Đạo diễn Lưu Trong Ninh khi đặt vấn đề cho người làm phục trang trong phim như họa sĩ Nguyễn Dũng Minh. Vì trang phục thời nào phải thể hiện đúng thời đó, nếu không người xem sẽ thấy sự vô lý, sự bất thường của phim, tạo ra tiếng cười không đáng có, dù nội dung có hay đến cỡ nào nhưng trang phục mà không đúng sẽ làm hỏng cả một bộ phim.

Chân thực nhưng không trần trụi, theo họa sĩ Nguyễn Dũng Minh thì anh và ê-kip cũng phải tiết chế trong quá trình làm phục trang để có thể vừa diễn tả đúng ý đồ của đạo diễn, vừa diễn tả đúng bối cảnh lịch sử mà phim diễn ra lại vừa làm sao khi lên sóng truyền hình, không gây phản cảm, gây “nhức mắt” cho người xem.

Anh Dũng Minh bảo: “Tả thực nhưng làm sao cũng phải hợp lý, miễn là nó không gây cảm giác vô lý cho người xem. Khi nhìn vào trang phục của từng nhân vật, khán giả nếu để ý sẽ biết được trang phục đó là ở thời nào, giai đoạn lịch sử nào. Như thế, đâu chỉ là áo yếm không thôi, nếu chịu khó tìm hiểu một chút, người ta sẽ có kha khá kiến thức về lịch sử, về văn hóa, về phong tục tập quán, đâu chỉ là thời trang đơn thuần”. Theo anh, đối với người làm phục trang, không đơn thuần là thiết kế một bộ trang phục đẹp, giúp cho diễn viên được tự tin tỏa sáng, lột tả được hết tính cách của nhân vật, mà đằng sau đó là lớp lang lịch sử, nhất là những bộ phim như Thương nhớ ở ai".

Câu chuyện phục trang cho phim Việt: Dễ hay khó?

Họa sĩ phục trang Nguyễn Dũng Minh trên phim trường

Câu chuyện hậu trường không tưởng của người làm phục trang cho phim

Một trong số những chi tiết quan trọng, quyết định sự thành bại của bộ phim chính là phục trang. Theo anh Nguyễn Dũng Minh, phục trang cho diễn viên là vô cùng quan trọng. Đa phần trong các cảnh quay, trừ những cảnh toàn giới thiệu không gian thì đa phần là bắt vào cảnh trung và cảnh cận, lúc ấy diễn viên xuất hiện và người ta sẽ soi được kỹ hơn trang phục của nhân vật nhiều hơn, có nhiều cái để “bắt lỗi” hơn. Vì thế, công việc của người làm phục trang vô cùng quan trọng, nhưng lâu nay, phim Việt vẫn chưa được đầu tư đúng mức cho khâu này, dẫn đến nhiều tranh cãi. Phần lớn các phim từ phim cổ trang, phim đời thường đến phim về các ngành, chuyện phục trang vẫn đang ở trong tình trạng “cái khó bó cái khôn”.

Câu chuyện phục trang cho phim Việt: Dễ hay khó?

Từng đường kim mũi chỉ trên bộ trang phục của diễn viên đều được khâu tay hoàn toàn

Câu chuyện phục trang cho phim Việt: Dễ hay khó?

Đặc biệt, phải kể đến dòng phim cổ trang, phim lịch sử thì vấn đề phục trang luôn được đem ra để tranh luận.Không giống như dòng phim thị trường, phim thương mại, phim hiện đại bây giờ, bối cảnh phim có sẵn, trang phục cho phim cũng dễ kiếm hơn, những bộ phim cổ trang, có yếu tố lịch sử như Thương nhớ ở ai gặp nhiều khó khăn trong quá trình làm trang phục.

Đối với dòng phim hiện đại, phim mang tính thị trường hay còn gọi là phim thương mại thì luôn thu hút các nhãn hàng vào nhiều hơn. Nói đi cũng phải nói lại, quảng cáo chính là nguồn sống cho phim. Với một bộ phim mang yếu tố lịch sử như Thương nhớ ở ai, chủ đề đã khó thể hiện, gần như các nhãn hàng đều không mấy hứng thú, trong khi đó việc chọn trang phục cho các diễn viên cũng không hề dễ dàng gì. Chưa kể, mức kinh phí để đầu tư may đo, thuê trang phục cũng ở một mức độ nhất định. 

Theo tiết lộ của anh Nguyễn Dũng Minh, bộ phim Thương nhớ ở ai có lẽ là một trong những bộ phim truyền hình Việt được đầu tư lớn nhất về trang phục của VFC. Số lượng trang phục lên tới hơn 2.000 bộ, chia làm 3 thời kỳ, với nhiều kiểu trang phục khác nhau. Trong đó, có khoảng 2000 bộ trang phục may mới, còn lại là đi thuê, hoặc mượn từ bạn bè, người quen…

Mặc dù là bộ phim được đầu tư lớn nhất cho phục trang, nhưng mức chi phí cũng có hạn, so với số lượng trang phục có thể nói người làm phục trang như anh cũng phải tìm mọi cách và có “phương pháp riêng” để có thể hoàn thiện phục trang cho phim vừa đủ số lượng vừa đáp ứng được chất lượng trong vòng hơn 1 tháng.

Theo anh Minh kể, đối với khoảng 2000 bộ trang phục may mới, anh cùng với các thợ may ở Thường Tín phải ngày đêm làm để kịp tiến độ của lịch trình quay phim. Điều đáng nói hơn, dù là 2000 bộ may mới, nhưng toàn bộ đều được khâu may thủ công hoàn toàn, mà không dùng máy may. Tự nhận là người kỹ tính, anh Nguyễn Dũng Minh cho biết: “Bạn cứ thử tưởng tượng khi máy quay bắt vào một khuôn hình cận nhân vật, xuất hiện cổ áo, nếu may máy sẽ nhìn thấy những đường may đều chằn chặn, tạo cảm giác không thật”.

Câu chuyện phục trang cho phim Việt: Dễ hay khó?

Nhìn cận cảnh nhân vật trong phim có thể thấy từng đường kim mũi chỉ

Được biết, trong quá trình khâu tay, người làm phục trang còn phải để ý và tính toán kỹ lưỡng cho từng nhân vật sao cho phù hợp. Ở bộ phim Thương nhớ ở ai, họa sĩ Nguyễn Dũng Minh phải chú ý tới từng nhân vật, ở từng hoàn cảnh khác nhau. Chẳng hạn như nhân vật Hơn, con dâu địa chủ thì đồ của họ sẽ chỉn chu hơn, đường may cũng phải thẳng hơn, chỉ may cũng phải gần với màu của quần áo. Còn đối với những người nông dân, quần chúng, địa vị thấp hơn nhân vật Hơn thì quần áo của họ lại đơn giản hơn, đường chỉ may vụng về hơn, thậm chí vì không có điều kiện nên chỉ may cho các nhân vật này lại không được cùng màu với màu của trang phục, v.v…Từng chi tiết rất nhỏ đều được người làm phục trang chăm chút kỹ lưỡng như thế.

Riêng 2000 bộ trang phục được may mới, người họa sĩ phục trang còn tính toán kỹ lưỡng hơn ở chỗ, do bối cảnh của phim, do tính chất của từng nhân vật mà toàn bộ ê-kip phải làm cũ các bộ may mới này để tăng tính hợp lý. Đây là yếu tố mà nhiều bộ phim Việt đang gặp phải hiện nay. Có nhiều bộ phim về lịch sử, trong đó có những cảnh quay về chiến tranh, về hình ảnh bộ đội,…nhưng trang phục của diễn viên lại quá mới, khi lên phim vẫn còn nếp gấp, khiến cho người xem không thấy sự chân thật của bộ phim. Vì vậy, theo họa sĩ Nguyễn Dũng Minh, công việc của người phục trang không hề đơn giản chút nào.

Câu chuyện phục trang cho phim Việt: Dễ hay khó?

Nhân vật Vạn đóng đinh ở trang phục bộ đội Điện Biên

Đối với 2000 bộ trang phục vừa được may mới bằng tay, anh lại phải dùng nhiều biện pháp xử lý cho nó cũ đi, chẳng hạn dùng thuốc tẩy, rồi dùng cả bã cà phê, sau đó nấu lên, ngâm qua đêm, sau đó qua một vài bước xử lý nữa, trang phục mới trông thật hơn. Đây là công đoạn khá vất vả, họ phải dùng kinh nghiệm thực tế và phải qua thử nghiệm một vài lần mới thành công, có lúc cũng phải làm lại mới cho ra bộ trang phục ưng ý nhất. Đối với một số trang phục còn phải nhuộm lại rồi lặp lại quy trình để đảm bảo màu sắc trong thiết kế nhân vật

Bên cạnh đó, ở phim Thương nhớ ở ai, việc tính toán kỹ lương còn thể hiện ở việc phối màu trang phục cho các nhân vật. “Tôi có bản phối màu cho từng nhân vật. Đối với các nhân vật xuất hiện cùng nhau, họ sẽ có những trang phục mang màu sắc khác nhau để không bị trùng màu, các màu sắc phải hỗ trợ cho nhau, tôn nhau lên, hài hòa trong một tổng thể chung”- họa sĩ Minh kể.

Câu chuyện phục trang cho phim Việt: Dễ hay khó?

Những miếng vá chằng vá đụp được tính toán kỹ lưỡng

Đối với các vết sờn trên trang phục, ê-kip cũng phải lựa chọn đạo cụ thích hợp để tạo ra những vết rách sao cho tự nhiên nhất và chân thật nhất. Ngay cả miếng vá trên trang phục cũng được tính toán tỉ mỉ và cẩn trọng khi vá ở vị trí nào, vá bằng chỉ như thế nào,…Trong Thương nhớ ở ai, họa sĩ phục trang Nguyễn Dũng Minh đặc biệt ấn tượng và tâm đắc nhất với hình tượng nhân vật bà điên trong làng với bộ quần áo vá chằng vá đụp. Chỉ là một nhân vật phụ trong phim nhưng “bà điên” lại là một điểm nhấn, một dấu ấn khó quên trong bộ phim này. Các miếng vá trên áo có màu sắc khác nhau, cho thấy hoàn cảnh nghèo khó của bà, nhưng lại rất sinh động và thú vị, và làm cho nhân vật hiện lên đầy màu sắc, khó quên.

Các nhân vật chính, phụ đều có trang phục riêng, phù hợp với mình. Đối với trang phục dành cho quần chúng, nhiều khi, như chia sẻ thật, họa sĩ phục trang cho phim “có gì dùng nấy”. Vì là quần chúng, chỉ xuất hiện rất nhanh, số lượng nhiều khi lên tới mấy trăm người, trang phục đơn giản hơn nên họ có thể đi thuê hay đi mượn tại chính bối cảnh quay- những đồ dùng và trang phục phù hợp với thời kì. Trong Thương nhớ ở ai, ê-kip cũng mượn trong kho phục trang của Hãng phim truyện Việt Nam, có những bộ trang phục dành cho quần chúng còn xin được từ những người dân ở trong làng, nơi đoàn phim đến quay.

Câu chuyện phục trang cho phim Việt: Dễ hay khó?

Nhân vật quần chúng bao gồm cả trẻ em

Câu chuyện phục trang cho phim Việt: Dễ hay khó?

Trang phục áo dài của nhân vật Nương

“Công việc của người họa sĩ phục trang là giúp diễn viên tự tin diễn xuất và sẽ tỏa sáng nhất, trang phục phải xuất phát từ tính cách của nhân vật. Người làm phục trang cũng giống như người tạo hình cho nhân vật.  Một nhân vật có tính cách thô ráp, xù xì thì không thể mặc những bộ trang phục bóng bẩy, chất vải mềm mại quá. Vì thế, khi làm phục trang cho phim, người họa sĩ phục trang phải đọc kỹ kịch bản, nghiên cứu kỹ tính cách nhân vật, để quyết định quần áo của họ mặc ra sao. Ví dụ nhân vật Vạn trong Thương nhớ ở ai gần như chỉ xuất hiện trong bộ áo bộ đội Điện Biên, để qua đó muốn nói đến bi kịch của nhân vật này là luôn đóng khung ở trong hình ảnh đó, không thể nào vượt qua được định kiến của xã hội… “- họa sĩ Nguyễn Dũng Minh cho biết.

Câu chuyện phía sâu hậu trường của những người làm họa sĩ phục trang cho phim còn nhiều điều thú vị, bất ngờ như thế mà hầu hết khán giả không biết đến. Nó chẳng hề dễ dàng và lúc nào cũng phải tỉ mỉ, kĩ lưỡng. Nếu không kỹ tính, không khó tính và chỉn chu trong từng chi tiết nhỏ nhất, đơn giản như đường kim mũi chỉ, dù nội dung có hay đến mấy thì bộ phim cũng xem như không trọn vẹn. 

Một bộ trang phục mang tính sáng tạo có thể làm tăng kịch tính của phim, làm nổi bật nhân vật và thêm sự tự tin cho diễn viên. Trang phục có thể nói thay những gì không có trong lời thoại bởi nó tô đậm thêm tính cách và xuất thân của nhân vật mà không cần giải thích bằng lời. Còn nhớ,  trong phim “Ngọn Nến Hoàng Cung”, Đạo diễn Quốc Hưng và hoạ sĩ bối cảnh cùng thiết kế trang phục Thế Bảo đã ra Huế thu thập tư liệu hình ảnh thực tế, tìm gặp những người từng sống trong cung để phục vụ cho quá trình làm phim, nhưng những phim Việt Nam làm được như vậy vẫn còn ở số lượng khiêm tốn. Phục trang là yếu tố cần thiết nhưng lại ít được coi trọng và làm đến nơi đến chốn.

Câu chuyện phục trang cho phim Việt: Dễ hay khó?

Các bộ trang phục qua quá trình xử lý của bộ phận phục trang trước khi đến tay diễn viên

“Khi xem một bộ phim, có thể mọi người không để ý đến công việc của cả ê-kip làm phim, có thể họ chỉ nhìn vào những gì đập ngay vào mắt họ, nhưng là người làm phục trang và khá là kỹ tính và khó tính, nên tôi luôn cố gắng chỉn chu trong từng chi tiết cho trang phục của các nhân vật. Còn những ý kiến khen chê, tôi quan niệm rằng người ta chỉ nhìn thấy thứ mà người ta muốn thấy, người ta chỉ muốn nghe thứ mà người ta muốn nghe, còn những cái khác, cho dù có hay và thú vị cũng khó có thể thu hút họ, nhất là khi họ đã mang nặng thành kiến”- họa sĩ phục trang Nguyễn Dũng Minh chia sẻ.

Với những nỗ lực hiếm hoi rất đáng ghi nhận này đã cho thấy các nhà sản xuất phim Việt đang ngày một chú trọng hơn tới vấn đề phục trang. Bởi hơn hết, các đạo diễn, các nhà làm phim đều hiểu, phục trang là thành phần quan trọng tạo nên sức ảnh hưởng của một bộ phim.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện phục trang cho phim Việt: Dễ hay khó?