Đối với giới âm nhạc cũng như văn học nghệ thuật cả nước, nhạc đỏ - những ca khúc cách mạng không chỉ là một tài sản quý của âm nhạc mà còn là yếu tố quan trọng để lưu giữ những khoảnh khắc lịch sử cách mạng Việt Nam.

Song hiện nay, nhạc đỏ có vẻ như đang bị “yếm thế” bởi ngày càng ít nhạc sĩ sáng tác và ca sĩ hát nhạc đỏ.

Khi giới trẻ thờ ơ

Sự ra đời và phát triển của dòng nhạc cách mạng này được ghi dấu bắt đầu từ những ngày tiền cách mạng Tháng Tám. Từ nơi chiến khu gió ngàn hay giữa những lán trại nằm trong lòng địch, những tài hoa âm nhạc của đất nước một thời như Văn Cao, Đỗ Nhuận, Nguyễn Văn Tý, Phạm Tuyên, Huy Du, Phan Huỳnh Điểu, Lưu Hữu Phước… đã viết lên các trường ca, hợp ca và ca khúc cuồn cuộn lời hiệu triệu của núi sông, thôi thúc lớp lớp thanh niên đứng lên đập tan xiềng xích nô lệ. Qua hai cuộc kháng chiến trường kì và những năm xây dựng đất nước sau chiến tranh, kho tàng nhạc “đỏ” lại càng nhiều thêm với sự phong phú về đề tài, khúc thức và cách thể hiện. Nhưng như đại lượng tỉ lệ nghịch trong toán học, cuộc sống ngày càng đủ đầy thì nhạc đỏ càng trở nên thiếu vắng và dần bị lãng quên.

Dẫu thực tế có đáng buồn nhưng bất cứ ai yêu nhạc cũng phải công nhận rằng, những người trẻ thực sự không mấy hứng thú đến nhạc đỏ. Họ mặc nhiên quy kết rằng, nhạc đỏ chỉ dành cho các “ông, bà già” nghe để hồi tưởng chuyện “ngày xửa, ngày xưa” hoặc những ai từng tham gia chiến trận.

Thậm chí, các bạn trẻ cũng tỏ ra bất cần với việc phải trả tiền bản quyền khi download các ca khúc Việt từ các trang mạng âm nhạc, trong khi với ca khúc nước ngoài thì có thề “xài” miễn phí. Đã vậy, chất lượng hoà âm, giọng hát của ca sĩ nước ngoài cũng điêu luyện và chuyên nghiệp hơn ta rất nhiều, nên họ thường xuyên chia sẻ qua facebook hoặc truyền file qua điện thoại, máy tính bảng cho nhau để cùng nghe.

Nhạc đỏ và những nỗi niềm

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Văn Dung, Vũ Hiệp Bình trong buổi toạ đàm về âm nhạc

Đối với các chiến sĩ trẻ ở các đồn biên phòng hoặc công tác tại vùng sâu, vùng xa thì kênh tiếp cận âm nhạc duy nhất là qua các buổi biểu diễn của các tổ đội tuyên truyền văn hoá hoặc truyền hình. Việc lưu diễn của các tổ đội tuyên truyền thì không phải lúc nào cũng có, mà truyền hình thì ngày một hiếm các ca khúc cách mạng, họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tải những ca khúc được quảng cáo trong list danh sách nhạc trẻ dài hàng chục trang về máy điện thoại của mình. Thực tế đó càng khiến cho họ ít hứng thú với nhạc đỏ.

Khi các gameshow truyền hình quay lưng

Chẳng phải mất công sức để kiểm đếm, các gameshow âm nhạc trên truyền hình như Giọng hát Việt, Vietnam’s Got Talent, Cặp đôi hoàn hảo, Song ca cùng thần tượng, Trò chơi âm nhạc… đều gần như vắng bóng nhạc đỏ mà thay thế vào đó, thí sinh được định hướng chọn nhạc nước ngoài hoặc những ca khúc thị trường đang ăn khách hiện nay. Nhiều ca khúc trong số đó đã được ghi nhận là đạt yếu tố thẩm mỹ, song, cũng không thiếu tác phẩm mà ca từ hời hợt, giai điệu dễ dãi, nịnh tai đến phản cảm. Thậm chí, Chúng tôi là chiến sĩ-chương trình dành cho chiến sĩ của quân đội ta, ngoài các tiết mục mang “màu cờ sắc áo” của quân, binh chủng mình thì những ca khúc vốn được xem là truyền thống của quân đội cũng lâm vào cảnh “bóng chim tăm cá”.

Người ta sẽ chỉ thoáng gặp lại cái gọi là “tài sản quí của âm nhạc Việt” trong Sao Mai hoặc Sao Mai điểm hẹn, bởi việc thi ca khúc nhạc đỏ được coi là bắt buộc và thí sinh cũng cần những ca khúc thuộc dòng này để “khoe” chất giọng. Song đã qua nhiều mùa Sao Mai, nhưng các ca khúc được trình diễn vẫn chỉ lặp đi lặp lại những “Sông Lô”, “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”, “Tôi là người thợ lò”, “Đường chúng ta đi”… Chương trình duy nhất mà dấu ấn của nhạc đỏ khá đậm đặc là “Con đường âm nhạc”, bởi hầu hết các nhạc sĩ được vinh danh đều có những đóng góp xứng đáng cho âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Nhạc đỏ và những nỗi niềm

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng

Lý giải về điều này, nhạc sĩ Vũ Thiết, tác giả của “Nghe câu quan họ trên cao nguyên”, “Khúc tráng ca biển”, “Bồng bềnh” và nhiều ca khúc hay về người lính biên phòng cho rằng, có lẽ các đài truyền hình đã mua bản quyền format của nước ngoài nên phải tuân thủ một số nguyên tắc nhất định. Các đơn vị tổ chức cũng xác định, nhạc đỏ không phù hợp với sân chơi mang tính giải trí, và cũng không thu hút được lượng khán giả xem cao nên sẽ khó bán quảng cáo. Bên cạnh đó, hát nhạc ngoại thì không phải trả tiền bản quyền, lại tạo được hiệu ứng với khán giả trẻ nên họ đã ngoảnh mặt làm ngơ với nhạc đỏ cũng là điều dễ hiểu.

Cách ứng xử nào cho nhạc đỏ?

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng bày tỏ quan điểm, chúng ta đang ráo riết kêu gọi phải giữ gìn quốc hồn quốc tuý, phát huy bản sắc dân tộc nhưng đồng thời cũng đang vô tình cổ suý cho một số khán giả thích những sự mới lạ được dán mác “ngoại”. Chúng ta quên mất rằng bấy lâu nay, nhạc đỏ vốn là niềm tự hào không chỉ của những nhạc sĩ, ca sĩ theo trường phái này mà còn là của nhiều thế hệ công chúng yêu nhạc cách mạng Việt Nam. Cùng với các dòng nhạc khác, nó đã góp phần trong sứ mệnh ngoại giao văn hoá, giới thiệu bản sắc, nét đẹp của đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Nhạc đỏ và những nỗi niềm

Các ca sỹ, nhóm nhạc trẻ bây giờ rất ít người chọn hát dòng nhạc đỏ

Nhạc sĩ Văn Dung chia sẻ, hiện nay, những nhạc sĩ trẻ theo đuổi dòng nhạc này đang ngày một ít đi, hoặc nếu có cũng không dành nhiều tâm huyết cho sáng tác bởi tìm được ca sĩ thể hiện cho “ra vấn đề” tác phẩm của mình cũng không hề dễ. Vì thiếu và yếu nên cát - sê của những ca sĩ hát nhạc đỏ có tên tuổi hiện nay thường định giá từ 15 đến 20 triệu đồng cho một ca khúc hát mới. Nếu tính cả chi phí hoà âm phối khí, thu thanh thì con số đó phải lên đến 25 triệu đồng. Bỏ một số tiền không nhỏ để đầu tư vào một ca khúc mà bản thân mình cũng không chắc đạt được bao nhiêu phần trăm thành công, mà thành công rồi thì cơ hội đến với công chúng của nó là bao nhiêu thì rõ ràng là người sáng tác không thể không cân nhắc.

Dù chưa phải là vấn đề lớn song sự vắng bóng của nhạc đỏ hiện nay cũng rất cần những người có trách nhiệm lưu tâm. Đừng để đến lúc dòng nhạc này có nguy cơ mai một, thất truyền như ca trù, quan họ cổ… thì mới bắt đầu hô hào bảo tồn, chấn hưng.

Vân Phạm

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhạc đỏ và những nỗi niềm