Quy hoạch Sơn Trà: Đúng pháp luật, đúng quy trình

Hà Thu| 30/05/2017 15:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bảo vệ và đối xử với Sơn Trà như thế nào để vừa phát triển vừa không phá vỡ môi trường, hệ sinh thái nơi đây, phá vỡ “lá phổi xanh” của Đà Nẵng… là những vấn đề đã được tranh luận sôi nổi tại buổi tọa đàm do Bộ VHTTDL tổ chức sáng nay tại Hà Nội.

Hôm nay (30/5) tại Hà Nội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức tọa đàm khoa học "Phát triển du lịch bền vững tại Khu du lịch quốc gia Sơn Trà".

Tới dự có ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ VHTTDL và ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục Trưởng tổng cục Du lịch, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND Đà Nẵng cùng Hiệp hội du lịch TP Đà Nẵng, bộ đội biên phòng, đại diện của Văn phòng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch đầu tư cùng nhiều nhà khoa học đến tham dự.

Quy hoạch Sơn Trà: Đúng pháp luật, đúng quy trình

Buổi tọa đàm: "Phát triển Du lịch bền vững tại khu du lịch quốc gia Sơn Trà"

Hãy bảo vệ Sơn Trà trước khi đầu tư phát triển!

Đó là ý kiến của ông Huỳnh Tân Vinh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, người đã có tâm thư gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đề nghị xem xét lại bản quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà trước khi đưa vào thực hiện.

Theo ông Vinh, Sơn  Trà có vị trí đặc biệt về địa lý, quốc phòng an ninh, là nơi lưu giữ hệ sinh thái động thực vật đa dạng, có nhiều loài đặc hữu quý hiếm. Với giá trị tài nguyên thiên nhiên đặc sắc, “độc nhất vô nhị”, Sơn Trà không chỉ là lá phổi xanh mà còn là thương hiệu nhận diện của thành phố Đà Nẵng. Ông Vinh còn nhấn mạnh Sơn Trà không chỉ là báu vật thiêng liêng của Đà Nẵng mà còn của cả Việt Nam. Vì thế, khi chứng kiến Sơn Trà đang bị đào xới, rừng ở Sơn Trà bị chặt phá, ông đã làm đơn kiến nghị lên Thủ tướng. Bởi nếu không làm thế thì chỉ ngày một ngày hai thì với tốc độ xây dựng sau khi quy hoạch được công bố sẽ làm chúng ta mất Sơn Trà.

Tại buổi tọa đàm, ông Vinh vẫn giữ nguyên ý kiến giữ nguyên trạng Sơn Trà, đặc biệt nhấn mạnh vấn đề bảo vệ Sơn Trà trước khi khai thác phát triển du lịch. "Nếu được chọn, tôi sẽ chọn Sơn Trà không phòng nghỉ chứ không phải là 300, 600 hay 1.200 phòng", ông Vinh khẳng định.

Vì vậy, ông Vinh đề nghị trước khi tiến hành quy hoạch thì phải rà soát lại toàn bộ tài nguyên môi trường của bán đảo Sơn Trà; đồng thời xây dựng quy chế nghiêm ngặt để bảo vệ Sơn Trà, đưa voọc chà vá thành linh vật của Đà Nẵng.

Quy hoạch Sơn Trà: Đúng pháp luật, đúng quy trình

Toàn cảnh bán đảo Sơn Trà. Ảnh: Hải Sơn/Zing

Ông Huỳnh Tấn Vinh đề nghị phía Đà Nẵng, Bộ VHTTDL rà soát lại toàn bộ xem Sơn Trà còn lại những gì, sau đó mới tính tổ chức hội thảo khoa học để lấy ý kiến. "Bây giờ các đồng chí chưa biết Sơn Trà có gì, còn gì, thì rất khó để hiểu và có những đánh giá chính xác nhất. Tôi đề nghị cần có sự rà soát nghiêm túc" - ông Vinh nói.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cũng kiên quyết: “Tôi đề nghị giữ nguyên hiện trạng ở Sơn Trà, trước khi tính đến chuyện sử dụng ra sao thì hãy nghĩ để chuyện bảo vệ nó trước. Phải bảo vệ được thì mới có để mà sử dụng và khai thác. Nếu xây dựng Sơn Trà thành khu nghỉ dưỡng thì sẽ phá vỡ cảnh quan của Sơn Trà, những rặng san hô sẽ không được bảo vệ. Tôi không đồng ý việc bê tông hóa Sơn Trà”.

Ông Vinh cũng thay mặt Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đưa ra các giải pháp để phát triển du lịch Sơn Trà. Trong đó nhấn mạnh: Xây dựng quy hoạch tích hợp tổng thể về bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà, kết nối cả hệ sinh thái rừng và biển trong một tổng thể mối liên hệ sinh thái tự nhiên, đặc trưng của Sơn Trà; xây dựng quy hoạch hợp nhất Sơn Trà và vùng biển xung quanh đến Nam Hải Vân để hình thành khu dự trữ sinh quyền thế giới trình UNESCO công nhận như mô mình ở Cù Lao Chàm của Hội An…

“Trong hội nghị này, rất nhiều người đưa ra ý kiến. Chúng ta sẽ chọn phương án nào? Chúng tôi không chọn việc xây ở Sơn Trà bao nhiêu phòng, bao nhiêu dự án. Chúng tôi chọn giữ Sơn Trà. Để bảo vệ lá phổi xanh của Đà Nẵng, cho con cháu chúng ta. Tôi sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ Sơn Trà”- ông Vinh nói.

Không thể giữ nguyên hiện trạng bán đảo Sơn Trà?

Trước những kiến nghị của ông Huỳnh Tấn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết quan điểm của ông Vinh hoàn toàn phù hợp với những ý kiến và chiến lược về phát triển du lịch bền vững mà Tổng cục đang thực hiện và hướng tới.

Còn phía Đà Nẵng nêu quan điểm: Tất cả các kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, UBND TP.Đà Nẵng sẽ xem xét một cách thấu đáo, lắng nghe các ý kiến của nhà khoa học và báo cáo Chính phủ; còn riêng về kiến nghị giữ nguyên hiện trạng, phía Đà Nẵng cho rằng không phù hợp. Vì nếu không tiếp tục xây dựng, Đà Nẵng sẽ thiếu cơ sở lưu trú cho khách du lịch.

“Để đón được 15 triệu lượt khách lưu trú/năm đến năm 2030 theo công suất buồng thực tế, TP.Đà Nẵng cần phải có gần 58.000 buồng phòng. Đến nay, tại khu vực bán đảo Sơn Trà đã có 253 buồng phòng của một số dự án đã đưa vào hoạt động, một số dự án đang tiến hành xây dựng, do đó việc kiến nghị giữ nguyên hiện trạng là chưa phù hợp”- đại diện UBND TP.Đà Nẵng khẳng định.

Có cùng quan điểm với phía Đà Nẵng, ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam cũng đặt câu hỏi, việc giữ nguyên hiện trạng Sơn Trà không thực sự ổn so với nhu cầu phát triển của Sơn Trà và của Đà Nẵng. Theo phía đại diện của Hội kiến trúc sư thì Bộ VH TTDL, các nhà quản lý, các nhà khoa học…cần xem xét lại từng dự án một đã và đang được cấp phép đầu tư tại Sơn Trà. “Ở đây quan trọng nhất chính là các dự án đầu tư xây dựng vào Đà Nẵng chứ không phải bản quy hoạch phát triển tổng thể, nó mới được công bố và chưa thực hiện trên thực tế. Phải xem xét từng dự án một, xem xét, đánh giá từng tác động của các dự án này tới Sơn Trà, hiệu quả đến đâu, tác động như thế nào đến hệ sinh thái, sự đa dạng sinh học ở bán đảo Sơn Trà, cái nào chưa hợp lý phải điều chỉnh, thậm chí có thể yêu cầu dừng lại nếu ảnh hướng xấu. Chúng ta không thể thô bạo tác động lên môi trường, hệ sinh thái quý hiếm ở bán đảo Sơn Trà. Hành động chặt cây, đào xới…ở Sơn Trà thực sự là phản cảm, gây bức xúc trong dư luận, không được dư luận động cảm. Đây chính là thái độ của chủ các nhà đầu tư, các dự án tại bán đảo Sơn Trà cùng là thái độ của các nhà quản lý, các nhà khoa học khi nghiên cứu, rà soát lại từng dự án một trong bản quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà”.

Quy hoạch Sơn Trà: Đúng pháp luật, đúng quy trình

Ông Vũ Thế Bình- Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam

Có cùng quan điểm với phía Hội kiến trúc sư, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho rằng đây chỉ là bản quy hoạch tổng thể, quan trọng nhất vẫn là các dự án đã, đang và sẽ đầu tư tại Sơn Trà. Theo ông Bình thì việc lựa chọn những nơi phù hợp cho các dự án, nơi nào mà môi trường ít bị tổn thương nhất là việc của cấp quản lý, của các nhà khoa học. Điều này sẽ hạn chế tối đa việc tác động thô bạo tới môi trường và hệ sinh thái ở bán đảo Sơn Trà. Thậm chí theo ông Bình, chúng ta có thể cắt bỏ hay hủy bỏ bất cứ dự án nào có tác động thô bạo để bảo vệ trước khi chúng ta bị mất Sơn Trà.

Đây chính là ý kiến được nhiều nhà quản lý, các nhà khoa học, đại diện của các Bộ, ban ngành, đại diện của Đà Nẵng đồng tình, ủng hộ. Việc đối xử với Sơn Trà như thế nào khi Quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia được đưa vào thực hiện là vấn đề cấp thiết được cả dư luận và cả xã hội quan tâm. Đây là vấn đề nóng hơn bao giờ hết sau khi có quyết định tạm dừng thực hiện quy hoạch này trong vòng 3 tháng của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại buổi làm việc diễn ra vào chiều 28/5 vừa qua.

Quy hoạch Sơn Trà đúng quy trình, đúng trình tự

Trong buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định việc ban hành quy hoạch khu du lịch quốc gia Sơn Trà được làm đúng quy trình, lấy ý kiến các nhà khoa học, cũng như sự cho phép của Chính phủ. Theo Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, bản quy hoạch này bắt đầu được xây dựng từ tháng 5/2013 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, UBND TP Đà Nẵng phối hợp chặt chẽ với Bộ trong quá trình xây dựng. Bản Quy hoạch này được phê duyệt vào ngày 9/11/2016 và chính thức được công bố vào ngày 15/2/2017.

Tuy nhiên, thời gian qua dư luận có nhiều ý kiến xung quanh bản quy hoạch này, đặc biệt từ khi có một số kiến nghị từ phía ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng thì vấn đề này trở nên nóng hơn bao giờ hết, được cả xã hội quan tâm. Trong số các ý kiến, Bộ VHTT & DL chú ý có ý kiến nên giữ nguyên hiện trạng, không xây mới ở bán đảo Sơn Trà. Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng, đây là một việc phức tạp, cần được xem xét thấu đáo.

“Buộc phá dỡ các công trình dở dang hay xây tiếp? Hủy bỏ các dự án đã cấp phép hay không? Việc này sẽ được thực hiện như thế nào? Đó là lý do Bộ VHTT & DL tổ chức buổi tọa đàm này trên tinh thần lắng nghe những ý kiến, xem xét một cách thấu đáo, để làm sao tìm ra hướng, giải pháp vừa góp phần bảo tồn, vừa phát triển du lịch, phát huy được hết các thế mạnh của bán đảo Sơn Trà” – Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái chia sẻ.

Theo báo cáo của Bộ VHTTDL, ý kiến giữ nguyên hiện trạng, không xây mới cơ sở lưu trú không phải vấn đề mới mà đã được đặt ra ngay từ khi bắt đầu lập Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà.

Theo ông Hoàng Đạo Bảo Cầm – Chủ nhiệm Đề án quy hoạch du lịch trên bán đảo Sơn Trà, đề án quy hoạch tập trung vào việc phát triển sản phẩm đặc trưng Sơn Trà là du lịch sinh thái và nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy thế mạnh của nơi này.

Ông Cầm cũng đánh giá Sơn Trà có vị trí quan trọng, có nhiều quy hoạch liên quan, nhiều dự án đầu tư ở đây. Qua đánh giá các hiện trạng tài nguyên du lịch, ông Cầm đưa ra đề xuất để phát triển du lịch Sơn Trà như sau: Phát triển bền vững phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển của Đà Nẵng và cả nước; khai thác hợp lý các thế mạnh, giá trị tài nguyên của Sơn Trà; gắn kết Sơn Trà với các điểm du lịch khác; gắn phát triển du lịch với bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh quốc phòng, kinh tế đất nước.

Ông Cầm cũng nêu ra giải pháp để phát triển du lịch Sơn Trà một cách bền vững, trong đó có những chính sách ưu tiên cho dự án thân thiện môi trường, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của người dân và khách du lịch về việc bảo vệ môi trường.

Về sự phù hợp của quy hoạch với Luật đầu tư, Bộ VHTTDL cho rằng điều 30 Luật Đầu tư quy định thẩm quyền của Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư. Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà không phải là dự án đầu tư, do đó không thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 30 Luật Đầu tư và không trái với Luật Đầu tư.

Báo cáo này cũng cho biết ngày từ những bước đầu tiên trong quá trình lập quy hoạch Sơn Trà, vấn đề bảo tồn và phát triển đã được đặt ra, đòi hỏi phải giải quyết thấu đáo. Tuy nhiên, sự khác biệt ở Sơn Trà là trước khi lập quy hoạch đã có nhiều dự án đầu tư được chấp thuận, trong đó có dự án đã hoàn thành, đi vào hoạt động, có dự án đang đầu tư dở dang, có dự án đã hoàn tất thủ tục đầu tư nhưng chưa thể triển khai, có dự án mới được đưa vào danh mục đầu tư.

Về quy mô phòng lưu trú, phương án quy hoạch đề xuất là khoảng 1.600 đến tối đa 3.200 phòng thì mới đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái. Nếu ở mức 3.200 thì phải áp dụng nhiều biện pháp đảm bảo kèm theo. Hội đồng thẩm định đã yêu cầu xem xét giảm xuống mức 1.600 phòng. Theo Bộ VHTT & DL đây là quyết định dũng cảm của Chính phủ khi giảm số phòng xuống một nửa, thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ hệ sinh thái, môi trường trên bản đảo Sơn Trà.

Bộ VHTTDL cho rằng khi thực hiện, trên thực tế, sẽ có dự án được tiếp tục triển khai, có dự án phải điều chỉnh quy mô, có dự án sẽ không được triển khai. UBND Đà Nẵng sẽ rà soát, xử lý đối với từng dự án cụ thể theo quyết định phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng.

Kết thúc buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ VHTT & DL Huỳnh Vĩnh Ái cho biết,  thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong 3 tháng tới đây, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị, hội thảo, làm việc với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, mời các chuyên gia, nhà khoa học liên quan đến lĩnh vực bảo tồn, môi trường để trao đổi, trong đó lưu ý một số kinh nghiệm làm tốt trên thế giới đối với trường hợp tương tự. Sau đó, Bộ sẽ tổng hợp các ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ để xem xét Quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà có cần bổ sung, điều chỉnh hay không, nếu điều chỉnh thì điều chỉnh như thế nào. Riêng buổi tọa đàm khoa học "Phát triển du lịch bền vững tại Khu du lịch quốc gia Sơn Trà" sẽ tiếp tục được tổ chức tại Đà Nẵng trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch Sơn Trà: Đúng pháp luật, đúng quy trình