Lời giải nào cho bài toán Du lịch Di sản?

congly.com.vn| 13/04/2012 11:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chọn Năm du lịch 2012 với chủ đề là “Du lịch Di sản”, nhưng một thực trạng cho thấy, du lịch di sản ở Việt Nam vẫn là một bài toán khó tìm lời giải – điều đó xuất phát từ chính những sự thống nhất không đồng đều trong cơ cấu quản lý, triển khai thực hiện của mô hình nhiều tiềm năng này.

Chưa đầu tư bảo tồn, bảo tồn lại chưa quy củ

Việc khai thác và khai thác thế nào cho tốt tiềm năng sẵn có về du lịch di sản ở Việt Nam không phải là chưa bao giờ được đặt ra. Vấn đề này đã được đưa ra khá lâu với nhiều tranh cãi, định hướng khác nhau. Tuy nhiên, sau đó, du lịch di sản dường như vẫn bị rơi vào sự rối rắm khi không biết phải bắt đầu từ đâu và triển khai như thế nào.

Cũng chính vì thế, không ít những di tích sau khi được công nhận đã rơi vào tình trạng hoang hóa, hoặc chưa được phát huy, bảo tồn giá trị đúng cách. Đã không ít lần, các phương tiện thông tin đại chúng cho hay về những di tích lịch sử cấp tỉnh, cấp quốc gia hẳn hoi chưa có một sự đầu tư đúng hướng để bảo tồn, hoặc bảo tồn chưa đúng cách, làm mất đi nhiều giá trị vốn có của di tích. Đây là một thực trạng đáng buồn của hệ thống bảo tồn các di sản ở Việt Nam.

Những Di sản ở Việt Nam chưa có một sự đầu tư bảo tồn đúng mực

Đơn cử như khi Di sản Khu di tích Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội vừa được công nhận là Di sản văn hóa vật thể của nhân loại vào đầu tháng 8 năm ngoái, sau đó đã có rất nhiều tranh cãi xung quanh việc có nên khai quật, mở rộng tiếp không gian cũng như để tìm kiếm thêm nhiều giá trị khác ở khu di tích này. Đã có những ý kiến cho rằng, đó là một việc nên làm để mở rộng và làm phong phú hơn nữa những giá trị của Hoàng thành Thăng Long, nhưng cũng lại không ít người thì nói, nên giữ nguyên hiện trạng như khi được công nhận để bắt tay vào khai thác về mặt thăm quan, du lịch. Cả hai ý kiến này đều có những lý lẽ riêng thuyết phục.

Nhưng rồi cũng lại vừa có một tin mới vào đầu tháng 4 vừa rồi cho hay, vì việc thi công những công trình lân cận đã khiến cho Di tích Hoàng thành Thăng Long bị sụt lún nghiêm trọng, nhiều người còn ngần ngại đặt ra câu hỏi rằng, rồi di tích này sẽ có nguy cơ không còn nguyên vẹn nữa!? Dù sau đó, ban quản lý di tích cũng đã tổ chức cuộc họp thống nhất và đưa ra ý kiến xử lý nhưng câu chuyện này một lần nữa cho thấy sự không quy củ trong quy hoạch, đầu tư, phát triển và bảo tồn di tích Hoàng thành Thăng Long và cả với phần lớn Di sản ở Việt Nam.

Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) có nguy cơ không còn nguyên vẹn do bị sụt lún

Trong thời gian vừa qua, một điều đáng mừng là đã có rất nhiều động thái của Bộ VHTT&DL phối hợp cùng các đơn vị có liên quan tổ chức nhiều chương trình, hội thảo, triển lãm nhằm xem xét, bàn bạc và tìm phương hướng cũng như thúc đẩy phát triển du lịch di sản nói riêng và phát triển ngành du lịch nói chung.

Làm mới du lịch di sản từ những cái cũ

Cần phải nói ngay rằng, làm mới du lịch di sản không có nghĩa là tất cả di sản phải được làm mới (trùng tu, tôn tạo, xây dựng mới) mà đó chính là phải có những sự đầu tư mới, chính sách hoạch định mới cũng như nhiều dự án mới tập trung khai thác tốt tiềm năng du lịch di sản.

Rất nhiều ý kiến được đưa ra trong các cuộc hội thảo, triển lãm nhằm xây dựng, định hướng một cách đúng đắn nhất lời giải cho bài toán du lịch di sản ở Việt Nam.

Hầu hết các ý kiến đều tập trung vào các giải pháp thuộc về lĩnh vực con người, nhân lực của ngành du lịch di sản. Các hoạt động tuyên truyền, tổ chức hội thảo, tập huấn góp phần nâng cao nhận thức bảo tồn cho chính cộng đồng địa phương ở khu vực di sản là điều thiết yếu, nó giúp cho chính những người dân nơi có di sản biết quý trọng, nâng niu và có cách làm phù hợp để phát triển những tiềm năng này. Thứ nữa, vấn đề nhân lực cho nghành du lịch di sản cũng đang là một vấn đề đau đầu khi có quá ít người thực sự am hiểu về di sản, giá trị về văn hóa, lịch sử của các di sản ngay cả khi nhận trách nhiệm trùng tu, tôn tạo hay đơn giản chỉ từ người chịu trách nhiệm hướng dẫn viên du lịch trong một mô hình du lịch di sản cụ thể.

Cần đào tạo nguồn nhân lực cho nghành du lịch di sản, bắt đầu từ những hướng dẫn viên du lịch

Một yếu tố quan trọng thứ hai mà nhiều ý kiến của các Giáo sư, Tiến sĩ đầu ngành đưa ra đó là sự cần thiết đầu tư vào các giải pháp, hoạch định cụ thể, đúng đắn cho mô hình phát triển du lịch di sản. Các giải pháp cụ thể: Hoàn thiện, nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch tại các di sản văn hóa thế giới; Đẩy mạnh nghiên cứu cải tiến, làm mới các sản phẩm cũ; Xác định sản phẩm định vị thương hiệu cho các di sản; Tăng cường liên kết để phát triển sản phẩm du lịch; Phát động sự tham gia của cộng đồng…

Ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội – nơi được coi là có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch di sản ở Việt Nam cũng cho biết, mặc dù 2012 được chọn là năm Du lịch di sản ở khu vực các tỉnh duyên hải Bắc miền Trung - Huế, nhưng Hà Nội với nhiều di tích lịch sử, và 3 di sản lớn là Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Hội Gióng (Di sản VHTG) và Bia tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám (Di sản Ký ức thế giới) đã đưa ra nhiều phương án để đẩy mạnh phát triển du lịch di sản trong năm 2012, tạo ra một mô hình xuyên suốt trong du lịch di sản ở cả nước.

Thái Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lời giải nào cho bài toán Du lịch Di sản?