Lo ngại bùng nổ lượng khách du lịch tour giá rẻ, tour 0 đồng

Hà Thu| 04/04/2017 09:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau Thái Lan, Việt Nam đang là tâm điểm của du lịch “tour 0 đồng” từ khách Trung Quốc. Mô hình kinh doanh chụp giựt này không chỉ gây thất thu mà còn kéo theo nhiều hệ lụy, đặc biệt là hình ảnh Việt Nam trong mắt du khách quốc tế.

Tour giá rẻ, tour 0 đồng là “cuộc chiến” của ai?

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, năm 2016, tổng số lượt khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 10 triệu lượt, trong đó Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Đài Loan là 5 thị trường gửi khách lớn nhất. Khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt 2,7 triệu lượt người, chiếm 27% tổng lượng khách quốc tế đến; khách Hàn Quốc đạt 1,5 triệu lượt, chiếm 15%; khách Nhật Bản 740.000 lượt, chiếm 7,4%; Mỹ  đạt hơn 550.000 lượt, chiếm 5,5%; khách Đài Loan (Trung Quốc) hơn 500.000 lượt, chiếm 5%.

Thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm 42% tổng thị phần khách quốc tế đến Việt Nam, nếu tính cả khách từ thị trường Đài Loan, con số này xấp xỉ 50%. Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc…là những điểm đến mới, có sức hút đặc biệt, khách quốc tế đến chủ yếu qua các chuyến bay charter (được hiểu là một chuyến bay thuê bao dành riêng cho du khách của một hãng lữ hành).

Năm 2016, khách du lịch Trung Quốc đến Nha Trang và Đà Nẵng đạt hơn 800.000 lượt, Hàn Quốc đạt xấp xỉ 500.000 lượt người. Tuy nhiên, việc bùng nổ về lượng khách cũng xuất hiện một lượng khách đi theo tour giá rẻ, thậm chí tour 0 đồng, khiến cho chính quyền địa phương, các nhà quản lý, doanh nghiệp quan ngại về chất lượng dịch vụ, hình ảnh điểm đến và nguồn thuế thất thu. Rõ ràng, đây là lúc cần thiết để phân tích nguyên nhân và giải pháp quản lý tour giá rẻ, vừa đảm bảo duy trì sự phát triển ổn định liên tục của thị trường, vừa đạt được sự hài lòng của khách, qua đó giữ gìn hình ảnh của du lịch Việt Nam.

Theo nhận định của bà Lê Vàng, chuyên viên Vụ Thị trường du lịch - Tổng cục Du lịch Việt Nam, tour giá rẻ hay tour 0 đồng, âm đồng thực chất xuất phát từ cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt về giá. Do có rất nhiều công ty cùng bán một sản phẩm hoặc nhiều sản phẩm khác nhau khiến cho khách du lịch có nhiều lựa chọn phong phú, các công ty phải giành giật khách hàng bằng việc áp dụng cạnh tranh về giá. Không những thế, việc phát triển các tour du lịch giá rẻ, thậm chí tour 0 đồng còn là cuộc chiến của các hãng hàng không và các nhà thầu máy bay. 

Năm 2016, một tuần có 60 chuyến charter từ 10 thành phố của Trung Quốc đến Nha Trang, chỉ tính riêng Thành Đô - Nha Trang một tuần có 20 chuyến, chưa kể hàng ngày đều có các chuyến bay đến từ Bắc Kinh, Hàng Châu, Thượng Hải, Vũ Hán, Trùng Khánh, Thiên Tân, Côn Minh, Quảng Châu, Thâm Quyến. Đây cũng chính là cuộc chiến của của 3 hãng hàng không nội địa gồm VNA, Vietjet Air, Jetstar và China Airlines, Chengdu Airlines, Hainan Airlines. Trong khi đó, mỗi tuần có khoảng 50 chuyến charter từ 10 thành phố của Trung Quốc đến Đà Nẵng. Ngoài những đường bay định kỳ như Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Thành Đô, Quảng Châu còn có Côn Minh, Vô Tích, Trùng Khánh, Nam Kinh Nam Ninh, Hải Khẩu, Tam Á, Thâm Quyến. Ở đây tương tự cũng chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt của 3 hãng hàng không Việt Nam kể trên và hàng không Phương Đông, Tứ Xuyên, Hải Nam của Trung Quốc.

Lo ngại bùng nổ lượng khách du lịch tour giá rẻ, tour 0 đồng

Mở cửa nhưng cần quản lý tốt để thu hút và phát triển ngành du lịch 

Bà Lê Vàng cho biết: “Nếu quan sát có thể nhận thấy vào mùa cao điểm, mỗi ngày từ Incheon Hàn Quốc có 12 chuyến bay charter đến Đà Nẵng, mùa thấp điểm dao động từ 6 - 8 chuyến, mỗi tháng vận chuyển khoảng 40.000 - 50.000 lượt khách. Các hãng hàng không đang khai thác gồm Korean Air, Asiana Airlines, Vietnam Airlines, Vietjet Air, Busan Airlines, True Aviation. Điều này cho thấy sản phẩm du lịch Đà Nẵng cũng chịu sự cạnh tranh khốc liệt tại Hàn Quốc, đặc biệt những khách sử dụng hàng không giá rẻ phần lớn đều tham gia các tour tiết kiệm hoặc tour giá rẻ, mức chi trung bình cho dịch vụ tại khách sạn 4 sao của khách Hàn khoảng 40 đô la Mỹ, tương đương khách Trung Quốc, vì vậy không tránh khỏi việc các công ty đón khách Hàn cũng phải dựa vào tour mua sắm để bù lại chi phí đầu vào”.

Bên cạnh đó, tour giá rẻ là cuộc chiến giữa sản phẩm du lịch của các công ty gom khách. Nếu tất cả các công ty gom khách đều chào một sản phẩm du lịch Đà Nẵng hay Nha Trang chung chung thì khó có thể cạnh tranh được với thị trường mà phải thiết kế các sản phẩm khác nhau phục vụ từng dòng khách khác nhau. Ví dụ “sản phẩm tiết kiệm” dành cho nhóm khách trung bình sử dụng khách sạn 3 sao, “sản phẩm trung cấp” sử dụng khách sạn 4 sao và “sản phẩm cao cấp” sử dụng khách sạn 5 sao.

Ngoài ra còn có sản phẩm đánh golf, MICE, nghỉ dưỡng đơn thuần, mua sắm hay du lịch cùng người thân, gia đình… Sản phẩm khác nhau sẽ thu hút khách ở độ tuổi, đẳng cấp khác nhau. Cho dù đa dạng như vậy nhưng tất cả sẽ bị cuộc chiến về giá càn quét. Hơn nữa, để lấp đầy một chuyến máy bay không thể chỉ có khách cao cấp, hoặc cũng không thể chỉ toàn khách thấp cấp hay trung bình. Đây là bài toán kinh doanh đan xen, do chính thị trường quyết định.

Cũng theo ý kiến của chuyên gia Lê Vàng thì đây còn là cuộc chiến đến từ chính các công ty đón khách. Nhiều công ty đón khách vì muốn giành giật khách nên xuất hiện tình trạng chào giá dịch vụ chênh lệnh nhau rất cao, gây nhiễu loạn thị trường. Thậm chí có một số công ty du lịch nhận khách sẵn sàng “mua đoàn” với mức bù giá trên trời, mang tâm lý “đánh cược” khiến cho chính các công ty thuê bao charter cũng phải lắc đầu vì mức độ mạo hiểm.

Giải pháp nào cho cuộc chiến “0 đồng”?

Tour giá rẻ hay tour 0 đồng, thậm chí âm đồng chính là hiện tượng phát triển tất yếu của thị trường. Các quốc gia đều đã cố gắng kiểm soát, chấn chỉnh thị trường nhưng chưa quốc gia nào tìm được giải pháp triệt để, cuối cùng phổ biến nhất vẫn là xoay quanh bảo vệ lợi ích của khách, lấy khách du lịch làm trung tâm, xem xét mức độ khiếu kiện của khách để quyết định việc trừng phạt cũng như quản lý liên quan đến sản phẩm du lịch.

Chính phủ và ngành du lịch các nước đều muốn đoạn tuyệt với tour giá rẻ và tour 0 đồng nhưng thực tế đều lúng túng, đặc biệt trong thời đại cạnh tranh du lịch ngày càng khốc liệt như hiện nay. Đây là cạnh tranh giữa các quốc gia, thành phố, công ty gom khách, công ty đón khách, hãng hàng không, sản phẩm tương đồng. Trong tình hình tại Việt Nam, chúng tôi có đề xuất một số giải pháp:

Thứ nhất, phải quản lý tốt các công ty lữ hành, nghiêm cấm hành vi “mua đoàn” hoặc bán lại đầu khách cho hướng dẫn viên, nếu bị phát hiện sẽ tước giấy phép hành nghề hướng dẫn và giấy phép lữ hành quốc tế.

Thứ hai, với điểm mua sắm, nếu quản lý tốt thì đây là nguồn thu ngoại tệ rất lớn, có tác dụng phát triển sản xuất và tiêu thụ hàng hóa tại chỗ. Các điểm mua sắm cần được gắn biển đạt chuẩn, đảm bảo khách không mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Hàng năm sẽ tiến hành xếp hạng, đánh giá các cơ sở mua sắm này thông qua đánh giá và khiếu nại của khách. Thực tế cho thấy, trong khi chúng ta khó lòng khiến khách từ các thị trường khác rút hầu bao mua sắm thì khách du lịch Trung Quốc lại có khả năng mua sắm rất cao, họ mua bất kỳ những gì có gắn mác “made in Vietnam” khi đến Nha Trang.

Thứ ba, thành lập đội phản ứng nhanh với số điện thoại đường dây nóng cho các ngôn ngữ Trung, Hàn, Anh, Nhật, Nga; số điện thoại đường dây nóng nên công khai ở khắp nơi từ khách sạn, sân bay, khu tuyến điểm du lịch, xe vận chuyển nhằm đảm bảo khách dễ dàng phản ánh, khiếu kiện.

Thứ tư, cần thay đổi quan điểm nhìn nhận từ người dân đến các cấp các ngành đối với bản chất vận động của thị trường và thái độ ứng xử với khách. Tour giá rẻ hay tour 0 đồng không phải lỗi của công ty gửi khách, cũng không phải lỗi của công ty đón khách, càng không phải lỗi của khách du lịch mà phần lớn do hệ quả cung cầu của thị trường kèm theo sự cạnh tranh khốc liệt của nó. Thái độ ứng xử của người dân hay các biện pháp quản lý của địa phương phải xoay quanh lấy lợi ích chính đáng của du khách làm trung tâm.

Thay cho lời kết, du lịch thế giới chứng kiến 120 triệu lượt khách Trung Quốc du lịch nước ngoài, chi tiêu hơn 215 tỷ đô la Mỹ trong năm 2016. Các quốc gia trên thế giới ngay cả Nhật Bản, Hàn Quốc đều muốn săn đón nguồn ngoại tệ này thông qua chính sách mở cửa visa, mở cửa bầu trời, xúc tiến quảng bá.

Cơ hội đó chia đều cho tất cả, trong khi đó du lịch Việt Nam so với các nước trong khu vực tuy giàu tài nguyên nhưng điều kiện cứng và mềm khác như cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, chính sách visa…không có ưu thế cạnh tranh nổi bật. Khi chưa có khả năng lựa chọn thị trường chỉ phục vụ dòng khách cao cấp, chúng ta cần nhìn nhận thị trường một cách khách quan, thừa nhận và điều chỉnh quản lý song song để mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân, cho quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lo ngại bùng nổ lượng khách du lịch tour giá rẻ, tour 0 đồng