Lễ hội gội đầu của người Thái trắng

congly.com.vn| 13/04/2012 11:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đây là lễ hội của đồng bào vùng Thái trắng thuộc các huyện Quỳnh Nhai, Phù Yên, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La (Sơn La) và người Thái ở Mường Lay (Điện Biên), Phong Thổ, Mường Tè (Lai Châu). Hàng ngàn bà con huyện Quỳnh Nhai đã đến chiêm ngưỡng cầu Pá Uôn, cây cầu bắc qua hồ thuỷ điện Sơn La có trụ cao nhất Việt Nam.

Lễ gội đầu cầu mong có sức khoẻ, năm mới tốt lành, gặp điều hay, làm ăn phát đạt.

Theo quan niệm của người Thái, gội đầu là để rửa trôi, tống tiễn những cái vất vả, bệnh tật, điều không may mắn của năm cũ theo dòng nước (sông, suối), đi mãi không lặp lại, đồng thời cầu cho khi bước vào năm mới con người có sức khoẻ, năm mới tốt lành, gặp điều hay, làm ăn phát đạt.

Lễ gội đầu của người Thái trắng gồm các hoạt động: Một thầy mo (hoặc ông trưởng họ) mời bà con dân bản xuống bến nước chuẩn bị gội đầu đón chào năm mới sắp đến. Ngay sau đó, các nam thanh nữ tú khiêng trống, chiêng vừa đi vừa khua rộn rã, thúc giục mọi người theo sau. Chậu nước gội đầu được bà con dân bản đun sôi để pha với nước gồm có bồ kết, vỏ cây xo xe, những cánh hoa rừng, hoa đào, hoa mận... Đàn ông thì khoác súng kíp, đeo túi thổ cẩm trong có đựng bảo bối gọi là “thung xanh”. “Bảo bối” thực ra chỉ là móng vuốt hổ, vuốt gấu, đoạn sừng tê giác, châu ngọc hoặc có thể chỉ là của hồi môn như nhẫn vàng, vòng bạc...

Lễ hội gội đầu là để tôn vinh bản sắc văn hoá dân tộc Thái của huyện Quỳnh Nhai, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, góp phần nâng cao trình độ dân trí. Lễ hội còn là dịp để quảng bá giới thiệu tiềm năng văn hóa, thể thao, du lịch và con người Quỳnh Nhai.

Lễ hội này mang tính nhân văn sâu sắc thể hiện lòng thiện của con người, yêu hoà bình, mong muốn cho bản thân và mọi người đều có cuộc sống tốt đẹp, có sức khoẻ và may mắn.

C.Tới

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ hội gội đầu của người Thái trắng