Đền Thượng - Khu di tích Đền Hùng (Phú Thọ): “Nam Việt triệu tổ” - hiểu sao cho đúng?

27/04/2013 18:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hình ảnh Nghi môn Đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh đã in sâu vào tâm trí các thế hệ người Việt trong và ngoài nước từ hơn trăm năm qua. Tuy vậy, bốn chữ đại tự “Nam Việt triệu tổ” chưa có cách hiểu thống nhất...

Theo thông tin từ Ban quản lý di tích Đền Hùng (www.denhung.org.vn), Nghi môn được xây theo kiểu cổng thành, kiến trúc thời Nguyễn (thế kỷ XIX), gồm 4 trụ biểu lớn tạo thành 3 cổng mái vòm. Cửa giữa theo quan niệm là cửa thần, nên làm to, rộng, đủ độ mở và cao để rước kiệu qua, còn hai cửa bên xây nhỏ hơn, phía trên là hai cuốn thư, cửa bên trái đề “Nguyệt minh”, cửa bên trái đề “Nhật ánh”. 

Thời Nguyễn đền được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Năm Khải Định thứ 2 (1917) đền Thượng được xây dựng kiểu dáng như ngày nay (có 3 cấp, kiểu chữ vương). Năm 1995 - 1996 đền được trùng tu. Năm 2008 đền được trùng tu, tôn tạo như hiện nay. Kết cấu khung toàn bộ bằng gỗ lim, đồ thờ tự được sơn son thếp vàng. Năm 2009 tiếp tục cải tạo toàn bộ sân vườn và mở rộng đường xuống lăng Hùng Vương.

Bốn chữ “Nam Việt triệu tổ” nghĩa là Triệu tổ của Nam Việt chứ không phải là “Tổ muôn đời của nước Nam” như giải đáp của Ban quản lý di tích này. Hai chữ “Triệu tổ” dễ hiểu, nghĩa là tổ khởi đầu, gây dựng nền móng. Các Vua Hùng lập ra nhà nước đầu tiên, đặt quốc hiệu Văn Lang nên đúng là Triệu tổ của dân tộc ta. Hai chữ gây băn khoăn là “Nam Việt”, tại sao không đề là “Văn Lang triệu tổ” cho đúng với quốc hiệu thời các Vua Hùng hay “Đại Nam triệu tổ” phù hợp với quốc hiệu khi xây dựng Nghi môn hay “Việt Nam triệu tổ” cho phù hợp quốc hiệu chính thức từ 1804 đến nay,  mà lại đề “Nam Việt triệu tổ”.

 

Đền Thượng - Khu di tích Đền Hùng (Phú Thọ): “Nam Việt triệu tổ” - hiểu sao cho đúng?

Bác Hồ thăm Đền Thượng năm 1962. Chữ trên Nghi môn không rõ

 

Ngược dòng lịch sử thì nước ta trải qua các thời kỳ, có các danh xưng, quốc hiệu khác nhau. Khởi đầu Văn Lang là quốc hiệu đầu tiên của Việt Nam. Quốc gia này có kinh đô đặt ở Phong Châu. Lãnh thổ gồm khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh bây giờ. Quốc gia Văn Lang tồn tại cho đến năm 258 TCN.

 

Năm 257 TCN, nước Âu Lạc được dựng lên, từ liên kết các bộ lạc Lạc Việt (Văn Lang) và Âu Việt, dưới uy thế của Thục Phán - An Dương Vương. Âu Lạc có lãnh thổ bao gồm lãnh thổ của Văn Lang trước đây và một phần đông nam Quảng Tây (Trung Quốc). Hiện nay trên Đền Thượng có “cột đá thề” tương truyền là cột đánh dấu giao kết chuyển giao quyền lực giữa nhà Hùng và Thục.

 

Khoảng cuối thế kỷ thứ 3 TCN, đầu thế kỷ thứ 2 TCN (năm 208 TCN hoặc 179 TCN, Triệu Đà (Quận úy Nam Hải-nhà Tần) mang quân đánh chiếm Âu Lạc. Cuộc kháng cự của An Dương Vương thất bại, nhà nước Âu Lạc bị thôn tính. Nhà Triệu đặt quốc hiệu là Nam Việt.

 

Trải qua biến thiên của lịch sử, nước ta mang quốc hiệu Vạn Xuân trong một thời kỳ độc lập ngắn ngủi thời Tiền Lý, sau khi thoát khỏi chính quyền trung ương Trung Hoa dưới sự lãnh đạo của Lý Nam Đế. Quốc hiệu này tồn tại từ năm 544 đến năm 602 thì bị mất vào tay nhà Tùy.

 

Đại Cồ Việt là quốc hiệu của Việt Nam từ thời nhà Đinh đến đầu thời nhà Lý, do Đinh Tiên Hoàng đặt năm 968. Quốc hiệu này tồn tại 86 năm.

 

Quốc hiệu tồn tại dài nhất là  Đại Việt, từ thời nhà Lý, bắt đầu từ năm 1054, khi vua Lý Thánh Tông lên ngôi. Quốc hiệu này tồn tại không liên tục (gián đoạn 7 năm thời nhà Hồ với quốc hiệu Đại Ngu và 20 năm thời thuộc Minh), đến năm 1804, trải qua các vương triều Lý, Trần, Lê, Mạc và Tây Sơn, khoảng 743 năm.

 

Quốc hiệu Việt Nam ngày nay chính thức xuất hiện vào thời nhà Nguyễn. Vua Gia Long đã đề nghị nhà Thanh công nhận quốc hiệu Nam Việt, với lý lẽ rằng "Nam" có ý nghĩa "An Nam" còn "Việt" có ý nghĩa "Việt Thường". Tuy nhiên tên Nam Việt trùng với quốc hiệu của quốc gia cổ Nam Việt thời nhà Triệu, gồm cả Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Hoa. Nhà Thanh yêu cầu nhà Nguyễn đổi ngược lại thành Việt Nam để tránh nhầm lẫn, và chính thức tuyên phong tên này năm 1804.

 

Tuy nhiên, tên gọi Việt Nam có thể đã xuất hiện sớm hơn. Ngay từ cuối thế kỷ 14, đã có một bộ sách nhan đề Việt Nam thế chí (nay không còn) do Hàn lâm viện học sĩ Hồ Tông Thốc biên soạn. Cuốn Dư địa chí viết đầu thế kỷ 15 của Nguyễn Trãi (1380-1442) nhiều lần nhắc đến hai chữ "Việt Nam". Điều này còn được đề cập rõ ràng trong những tác phẩm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), ngay trang mở đầu tập Trình tiên sinh quốc ngữ đã có câu: "Việt Nam khởi tổ xây nền". Người ta cũng tìm thấy hai chữ "Việt Nam" trên một số tấm bia khắc từ thế kỷ 16-17 như bia chùa Bảo Lâm (1558) ở Hải Dương, bia chùa Cam Lộ (1590) ở Hà Nội, bia chùa Phúc Thánh (1664) ở Bắc Ninh... Đặc biệt bia Thủy Môn Đình (1670) ở biên giới Lạng Sơn có câu đầu: "Việt Nam hầu thiệt, trấn Bắc ải quan" (đây là cửa ngõ yết hầu của nước Việt Nam và là tiền đồn trấn giữ phương Bắc). 

 

Đền Thượng - Khu di tích Đền Hùng (Phú Thọ): “Nam Việt triệu tổ” - hiểu sao cho đúng?

Đền Thượng sau trùng tu 1997 – có chữ Nam Việt triệu tổ

 

Năm 1820, vua Minh Mạng lên ngôi xin đổi quốc hiệu Việt Nam thành Đại Nam, ngụ ý một nước Nam rộng lớn. Tuy nhiên nhà Thanh đã không chính thức chấp thuận. Khi nhà Thanh bắt đầu suy yếu, vua Minh Mạng đã chính thức đơn phương công bố quốc hiệu mới Đại Nam vào ngày 15 tháng 2 năm 1839. Quốc hiệu này tồn tại đến năm 1945.

 

Qua xem xét quốc hiệu qua các thời kỳ, việc  chọn “Nam Việt – Nam Việt triệu tổ” là một quốc hiệu của Triệu Đà, để đề nơi tông miếu thờ Hùng Vương gây khó hiểu. Như đã nêu, Nam Việt là quốc hiệu thời nhà Triệu (207 TCN-111 TCN), câu hỏi đặt ra là quốc hiệu này có đại diện cho nước Việt Nam hay không. Thời phong kiến xem Nam Việt chính là quốc hiệu của tộc người Việt với các ý kiến của các học giả như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên.

 

Nguyễn Trãi trong “Bình Ngô đại cáo” cũng coi Triệu Đà là tổ nước ta khi viết: “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương”.  Hoặc vua Quang Trung sau khi đánh bại đội quân nhà Thanh năm 1789 đã có ý định đòi lại đất hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây với lý do đây là đất cũ của Nam Việt thời Triệu Đà.

 

Tuy nhiên, quan điểm chính thống ngày nay cho rằng quốc gia Nam Việt khi đó là của người Trung Hoa. Lý do không coi Nam Việt là của Việt Nam là vì Triệu Đà là người Hán, quê huyện Chân Định, nhân lúc nhà Tần suy loạn đã nổi lên lập ra nhà Triệu, lấy quốc hiệu là Nam Việt. Năm 111 TCN, nhà Hán cử hàng chục vạn quân tấn công và xóa sổ Nam Việt, và đất Âu Lạc lại bị nhà Hán đô hộ. Nam Việt tồn tại trong 97 năm.

 

Đền Thượng - Khu di tích Đền Hùng (Phú Thọ): “Nam Việt triệu tổ” - hiểu sao cho đúng?

         Đền Thượng hiện nay

 

Ngày nay, có quan điểm cho rằng sự kiện Triệu Đà xâm chiếm Âu Lạc, chia Âu Lạc thành hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân, sáp nhập vào Nam Việt là khởi đầu thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hơn một nghìn năm, trải qua các triều đại Triệu, Hán, Ngô, Ngụy, Tấn, Tống, Tề, Lương, Tùy, Đường kế tiếp nhau xâm chiếm và đô hộ.

 

Do đó, trở lại bốn chữ đại tự trên Nghi môn Đền Thượng, việc lấy tên nước thời Triệu Đà để đại diện cho quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ là khó chấp nhận và không phù hợp với lòng tự hào dân tộc. Điều đáng lưu ý là trong phần giải đáp về Nghi môn Đền Thượng của Ban quản lý di tích Đền Hùng không thấy giới thiệu bốn chữ này. Do đó, một câu hỏi đặt ra là bốn chữ này thật sự có từ bao giờ, có từ khi xây dựng Nghi môn hay khi đã trùng tu năm 1917 hoặc những năm gần đây? Trong bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Đền Hùng năm 1962, vị trí của bốn chữ “Nam Việt triệu tổ” chữ đã quá mờ, không rõ nguyên bản là chữ gì. Liệu có sự nhầm lẫn nào khi trùng tu hay không là câu hỏi rất lớn.

 

Nếu quả thật, bốn chữ này có từ đầu thế kỷ XX trở về trước thì có ý kiến cho rằng, khi xây dựng các công trình ở Đền Hùng nhà Nguyễn dùng chữ “Nam Việt” để nhắc lại ý định của vua Gia Long ngày trước.

 

Có ý kiến khác nói theo ngữ pháp tiếng Hán thì “Nam Việt” là người Việt ở Phương Nam, còn Việt Nam là phía Nam nước Việt. Hiểu theo ý này thì “Nam Việt triệu tổ” nghĩa là Triệu tổ của người Việt ở phương Nam, để phân biệt với các tộc người Việt thuộc Bách Việt xưa, nhưng nay thuộc Trung Hoa.

 

Dẫu sao đây cũng chỉ là những suy luận, người dân Việt Nam xa gần rất cần được cơ quan có trách nhiệm và thẩm quyền minh định bốn chữ “Nam Việt triệu tổ” – nơi cả dân tộc luôn hướng về  với niềm tự hào và tri ân tiên tổ.n

 

Ở phía Nam vùng Quảng Đông, Quảng Tây, vùng đất mà từ thời nhà Tần đã thường được gọi là Lĩnh Nam, người Hán đã xác định năm nhóm chính trong Bách Việt, trong đó bốn nhóm đầu nay thuộc Trung Quốc là Đông Âu (vùng Ôn Châu, Chiết Giang), Mân Việt, (Phúc Kiến), Nam Việt và Tây Âu, trong vùng Quảng Đông , Quảng Tây, còn Lạc Việt, khu vực miền Bắc Việt Nam ngày nay, là tổ tiên của người Việt Nam hiện đại.

 

Bảo Thư

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đền Thượng - Khu di tích Đền Hùng (Phú Thọ): “Nam Việt triệu tổ” - hiểu sao cho đúng?