Vụ khăn lụa Khaisilk “made in China”: Niềm tin bị đánh cắp

Mạnh Nguyễn| 26/10/2017 16:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sản phẩm làm từ lụa tơ tằm mang thương hiệu Khaisilk từng là một trong số những niềm tự hào về thương hiệu Việt. Nhưng chính ông chủ của thương hiệu này lại thừa nhận trên một tờ báo rằng “bán hàng Trung Quốc mác Việt Nam từ những năm 90".

Sáng nay (26/10) một nhà báo kinh tế lúc nào cũng tràn đầy tinh thần cổ vũ hàng Việt viết trên trang cá nhân: “Chấp nhận lời xin lỗi của Khaisilk, với tôi cũng dễ dàng vì chửa mua hàng bao giờ. Nhưng thú thật, bác vừa hắt cả đống niềm tin Việt ra khỏi biên giới nước này và tát rõ đau những người từng rưng rưng tự hào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Nhưng đó không chỉ là chuyện đổ vỡ niềm tin, đạp xuống bùn sự tự hào và tình dân tộc của người mua, bác nhé”.

Vụ khăn lụa Khaisilk “made in China”: Niềm tin bị đánh cắp

Công văn hỏa tốc của Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm tra vụ khăn lụa Khaisilk có mác "made in China"

Ông chủ của thương hiệu Khaisilk được ghi nhận như thế này trên Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: “Hoàng Khải (sinh năm 1964 tại Hà Nội) là một doanh nhân, chủ tịch tập đoàn Khaisilk, một hãng tiên phong đưa sản phẩm tơ lụa Việt Nam ra thị trường quốc tế. Ông được báo mạng VnExpress chọn là một trong "50 người tiên phong 2012".

Năm 25 tuổi, ông quyết định bỏ học Nhạc viện và thành lập cửa hàng Khải Silk đầu tiên trên phố Hàng Gai. Định hình sản phẩm theo phân khúc cao cấp, những sản phẩm của Khải Silk đều do chính ông Khải thiết kế và thuê gia công từ làng lụa Vạn Phúc hoặc Đà Nẵng. Khải Silk thành công kéo theo sự phát triển khu phố Hàng Gai, Hàng Bông thành nơi tập trung nhiều cửa hàng lưu niệm tơ lụa tại Hà Nội.

Ngoài việc phát triển chuỗi cửa hàng độc lập, Khải Silk còn mở thêm các cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm tại các khách sạn 5 sao. Hiện Khaisilk có 7 cửa hàng lớn nằm tại khách sạn Mariott, Intercontinental, Legend, Sài Gòn và Hà Nội”.

Một sản phẩm vốn là niềm tự hào của thương hiệu Việt cho đến một ngày, một doanh nghiệp ở Hà Nội cho biết đã mua sản phẩm của Khaisilk tại cửa hàng trên phố Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) để làm quà tặng cho đối tác. Số khăn tay lụa tơ tằm Việt Nam thương hiệu Khaisilk (kích thước 50 x 50 cm), với đơn giá 644.000 đồng/chiếc. Khách sau khi nhận hàng thì phát hiện một chiếc khăn trong lô hàng 60 chiếc này có gắn 2 nhãn mác khác nhau: một nhãn với nội dung “Khaisilk made in Vietnam” còn một nhãn nữa với nội dung “made in China”. 59 chiếc khăn lụa còn lại cũng bị phát hiệu dấu hiệu của việc cắt mác cùng màu với dòng chữ “made in China”.

Sau vài ngày im lặng kể từ khi vụ việc nói trên được công bố, ông Hoàng Khải chính thức trả lời trên một tờ báo thừa nhận thương hiệu Khaisilk có bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc, và cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng.

Thậm chí ông còn thú nhận bán “khăn lụa Tàu đội lốt ta” từ những năm 90. Ông Khải giải thích việc quyết định sang Trung Quốc tìm nguồn hàng nhập về vì khi đó ông chỉ nghĩ đơn giản, các thương hiệu nổi tiếng đều nhập hàng từ Trung Quốc về phân phối ở các nước khác bằng tên của họ. "Cái sai của tôi là khi thấy các thương hiệu lớn của nước ngoài đặt hàng, may sản phẩm tại Trung Quốc vẫn bán với thương hiệu của họ thì mình có thể đặt hàng may tơ lụa Trung Quốc về bán với thương hiệu Khaisilk mà không làm rõ xuất xứ hàng hóa", ông Khải chia sẻ trên tờ Zing.

Câu chuyện khăn lụa Khaisilk có lẽ không đơn giản chỉ là lời thú nhận, xin lỗi là xong. Bởi đằng sau việc “khăn Tàu đội lốt ta” có thể là rất nhiều vấn đề cần phải được làm rõ để có được câu trả lời thỏa đáng cho người tiêu dùng Việt, cho những doanh nhân đang cố gắng gom góp và gìn giữ từng chút niềm tin của người Việt vào hàng Việt.

Mà niềm tin ấy, vốn đã rất mong manh.

Ngày 26/10, văn phòng Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ các thông tin liên quan đến sản phẩm khăn lụa thương hiệu Khaisilk.

Cùng ngày, cơ quan Quản lý thị trường 14 (Hà Nội) cùng phối hợp với Cảnh sát kinh tế gồm PC 16, PC 49,... và các lực lượng chức năng đã xuống kiểm tra cửa hàng 113 Hàng Gai (Hoàn Kiếm) bán hàng Khaisilk.

Đại diện Cục Quản lý thị trường cho hay  với hàng nhái hàng giả vi phạm sở hữu trí tuệ, ảnh hưởng lớn người tiêu dùng thì lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu phải xử lý, bất kể đó là công ty hay thương hiệu nào.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ khăn lụa Khaisilk “made in China”: Niềm tin bị đánh cắp