Vụ vô cớ chém người ở Đà Nẵng: Bị hại biến thành bị cáo?

07/03/2019 15:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vụ án “Cố ý gây thương tích” kéo dài hơn 3 năm, 4 lần xét xử với 2 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung. Hai bị cáo liên tục có đơn cầu cứu kêu oan gửi các cơ quan chức năng và báo chí khẳng định mình là bị hại của vụ án. Vậy đâu là "nút thắt" của vụ án?

Nội dung vụ án theo cáo trạng số 50/KSĐT ngày 03/11/2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) và cũng là cáo trạng duy nhất (không thay đổi sau 2 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung) thể hiện: Do mâu thuẫn lời nói trước đó với nhóm thanh niên của xã Hòa Bắc gồm: Trần Quang Nhị (SN 1991), Nguyễn Văn Hòa (SN 1978), Nguyễn Văn Bình (SN 1978) và Nguyễn Phan Thành Công (SN 1992, cùng trú thôn An Định, Hòa Bắc, Hòa Vang, TP Đà Nẵng) nên Nguyễn Thành Nghĩa (SN 1993) cùng Nguyễn Văn Thuẩn (SN 1993), Lê Thành Nhân (SN 1998), Đặng Viết Thịnh (SN 1999), Nguyễn Hải Hoàng (SN 2000, cùng trú thôn Trường Định, Hòa Liên, Hòa Vang, TP Đà Nẵng) mang theo dao và kiếm tự tạo từ Hòa Liên đến quán tạp hóa của chị Ngô Thị Na ở thôn An Định, xã Hòa Bắc (Hòa Vang, TP Đà Nẵng) để đánh lại nhóm thanh niên đang ngồi nhậu tại đây.

Trong lúc nhóm của Nghĩa đang đi đến thì trong bàn nhậu lúc này có Nhị, Hòa, Bình và Công cùng một số người khác có nghe thông tin nhóm Nghĩa đang cầm hung khí đi đến và có nói “Nếu tụi nó lên thì đánh lại”.

Khi nhóm của Nghĩa đến và xông vào khu vực trước quán thì một số người trong quán bỏ chạy, riêng Nhị, Hòa, Bình và Công chạy đi lấy hung khí rồi quay lại đánh nhóm của Nghĩa.

Quá trình đánh nhau, Nhị đã dùng cây sắt đánh trúng đầu của Thuẩn gây thương tích 36%, Nhân sử dụng đá ném trúng vào mặt Hòa gây thương tích 12%. Riêng Thịnh, quá trình đánh nhau đã bị chém đứt cánh tay gây thương tích 58%, tuy nhiên CQĐT chưa xác định được người nào gây ra nên chưa có căn cứ để xử lý.

Vụ vô cớ chém người ở Đà Nẵng: Bị hại biến thành bị cáo?

Người dân tập trung trình bày sự việc

Tại đơn cầu cứu cũng như lời khai tại các phiên tòa trước đó của hai anh em ông Hòa và Bình thể hiện: Ngày 4/1/2017, gia đình của hai ông làm tuần 14 ngày cho mẹ tại địa chỉ thôn An Định, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Đến tham gia dùng bữa tối với gia đình hôm đó có 9 người hàng xóm. Khoảng 21 giờ cùng ngày có 3 thanh niên đi trên một chiếc xe máy dừng lại hỏi mua card điện thoại, quá trình mua card 3 thanh niên này có những lời nói khó nghe, chửi tục nên Nhị ngồi trong bàn lên tiếng phản ứng liền bị 3 thanh niên dùng điện thoại yêu cầu người đầu dây “Tụi bay đem hàng lên cho ta chém bọn này…”.

Chừng hơn 10 phút sau, nhóm thanh niên đi trên nhiều xe máy đến trước nhà, cả nhóm thanh niên cầm đao kiếm lao về chỗ mọi người ngồi chém tới tấp. Lúc này mọi người chạy tán loạn, một thanh niên cầm đao chém ông Bình, lúc này ông Bình vì né nhát chém nên bị té xuống sàn nhà. Thấy thanh niên này tiếp tục truy sát nên Nhị ở gần đó nhặt được cây sắt hình chữ T đưa lên đỡ cho ông Bình. Còn ông Hòa bị một thanh niên khác chém trúng vùng mắt...

Đáng nói, tại các phiên tòa trước đó, cả hai ông Hòa và Bình liên tục kêu oan bởi các ông cho rằng bản thân là bị hại của vụ án chứ không phải là bị cáo. Chính vì vậy, việc hai ông bị cơ quan kiểm sát truy tố tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại khoản 3 Điều 104 BLHS là không đúng.

Vụ án được TAND huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng đưa ra xét xử. Quá trình xét xử, hai ông kêu oan, xuất hiện nhiều tình tiết mới nên tòa quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát. Tuy nhiên, tại kết luận điều tra bổ sung của Cơ quan CSĐT CAH Hòa Vang vẫn khẳng định các bị cáo phạm tội như Bản kết luận số 54 ngày 19/10/2017 của cơ quan này đã đề nghị VKSND huyện Hòa Vang truy tố các bị can. Và VKSND huyện Hòa Vang vẫn như nguyên nội dung cáo trạng truy tố đối với 9 bị cáo.

Vụ án này tiếp tục đưa ra xét xử lần 2 theo quy định, trong quá trình xét xử lời khai của ông Hòa và Bình thể hiện việc các ông hoàn toàn bị động trong tình huống “quá nhanh, quá nguy hiểm” này nên không kịp trở tay.

“Trong hoàn cảnh, trời tối om, một bên nhà là đống củi cao hơn người, phía sau nhà là một hố sâu quá đầu người và bức tường... thử hỏi khi cả nhóm cầm dao xông vào chém chúng tôi chạy đi đâu. Chính vì vậy mà khi quay vào trong ai vớ được gì cầm thứ ấy để đỡ mà thoát thân. Mọi việc diễn ra rất nhanh, tôi khẳng định rơi vào tình huống như vậy không ai đủ thời gian để suy nghĩ phải làm gì lúc ấy... Như vậy, chúng tôi cầm cái cán cuốc bằng gỗ, cái thanh sắt hoen rỉ... để tự vệ được xem là hung khí hay sao?...”, ông Bình trình bày.

Vụ vô cớ chém người ở Đà Nẵng: Bị hại biến thành bị cáo?

HĐXX quyết định hoãn phiên tòa để xem xét hiện trường.

Quá trình đang diễn ra phiên tòa, HĐXX đã quyết định tạm dừng phiên tòa để tiến hành xem xét hiện trường, đồng thời ngay sau khi trở lại phiên tòa HĐXX đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung lần 2.

Tuy nhiên, sau 2 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, đến nay cáo trạng truy tố đối với 9 bị cáo vẫn là cáo trạng số 50/KSĐT ngày 03/11/2017, không có gì thay đổi. Vấn đề đáng nói, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hòa Vang trong phần nhận xét, kết luận và đề nghị lại thể hiện nội dung “căn cứ vào kết quả điều tra bổ sung xác định nhóm của bị can Nghĩa cầm hung khí xông vào trong quán tạp hóa thì nhóm của Nhị có nhiều lối thoát chạy, tuy nhiên nhóm bị can Nhị không chạy mà quay lại chống trả...”.

Để có ý kiến khách quan về vụ việc, PV đã tham khảo ý kiến của nhiều luật sư và họ có chung quan điểm cho rằng việc VKSND huyện Hòa Vang truy tố ông Hòa và ông Bình về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Khoản 3 Điều 104 BLHS là không đúng.

Thứ nhất, lúc này trong khi gia đình các ông đang làm tuần cúng cơm mẹ, mời bà con lối xóm đến dự thì nhóm của Nghĩa mang hung khí nguy hiểm là dao kiếm đến chém tới tấp, có nghĩa ông Hòa, ông Bình và mọi người hôm đó đều là những người thụ động. Nếu họ có sự chuẩn bị thì họ phải bàn bạc và có những hung khí tương đương với nhóm bên kia chứ không phải ai “vớ” được gì dùng ấy. Đây phải xác định là phòng vệ chính đáng mà theo quy định tại Điều 22 BLHS đã là phòng vệ chính đáng thì không phải là tội phạm.

Thứ hai, nếu bảo nhóm ông Hòa, ông Bình “phải chạy”, hoặc “chạy được nhưng không chạy mà quay lại chống trả” để quy kết tội cho các ông thì không có cơ sở. Cho đến thời điểm hiện tại, không có bất cứ một điều luật nào quy định khi bị tấn công (trong trường hợp này mạng sống đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi hung khí dao, kiếm sắc bén tấn công trực diện) người bị tấn công phải bỏ chạy. Họ có quyền tự vệ một cách cần thiết đối với người đang có hành vi xâm phạm đến mình...

Trong vụ án này, nhóm ông Hòa, ông Bình có Nhị là người vì cứu ông Bình nên dùng cây sắt đánh trúng đầu của Thuẩn gây thương tích 36%. Ông Hòa và ông Bình cầm cán cuốc bằng gỗ đánh trả nhưng không gây thương tích cho bất kỳ ai... Vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng cần xem xét tính chất vụ việc để giải quyết đúng theo quy định của pháp luật nhưng không làm oan người vô tội.

Có thể nói, đến nay vụ án “Cố ý gây thương tích” kéo dài 3 năm không những khiến cơ quan tố tụng phải “đau đầu” mà dư luận trên địa bàn đặc biệt quan tâm. Có hay không bị hại “bị hô biến” thành bị cáo như đơn cầu cứu của ông Hòa, ông Bình gửi lãnh đạo các cấp địa phương và Trung ương?

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ vô cớ chém người ở Đà Nẵng: Bị hại biến thành bị cáo?