Vụ tai nạn lao động tại công trình EVN Hải Dương: Trách nhiệm thuộc về ai?

Thái Tôn| 16/08/2017 08:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vụ tai nạn lao động tại công trình EVN Hải Dương khiến hai người thương vong xảy ra 1 tháng nay, nhưng nguyên nhân về vụ tai nạn cũng như tình hình sức khoẻ của nạn nhân bị thương vẫn được "giấu kín".

Báo Công lý đã có loạt bài phản ánh về tai nạn nghiêm trọng xảy ra vào ngày 18/07/2017 tại công trình trụ sở EVN Hải Dương và ý thức, trách nhiệm của các bên liên quan trong vụ tai nạn. Ngay sau đó, tòa soạn nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc (trong đó có các luật sư) bày tỏ thái độ bức xúc, yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan để xảy ra tai nạn lao động theo đúng quy định pháp luật.

Vụ tai nạn lao động tại công trình EVN Hải Dương: Trách nhiệm thuộc về ai?

Công trình xây dựng trụ sở EVN Hải Dương, nơi xảy ra tai nạn.

Gia đình nạn nhân nói gì sau vụ tai nạn?

Sau gần một tháng xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng tại công trường xây dựng trụ sở EVN Hải Dương dẫn đến cái chết thương tâm của anh Phùng Văn Tiến, tới nay các cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận về nguyên nhân xảy ra vụ việc. Cũng dựa vào lý do này mà Chủ đầu tư dự án (Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương), nhà thầu chính (Tổng Công ty 319 - BQP), đơn vị trực tiếp thi công để xảy ra tai nạn lao động là Công ty Cổ phần thang máy và Đầu tư HTC (Công ty HTC) đều từ chối cung cấp các thông tin liên quan đến nạn nhân và gia đình nạn nhân. Các chế độ chính sách, biện pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ nạn nhân và gia đình nạn nhân đều được giữ kín.

Theo địa chỉ ghi trong bản “Khai báo tai nạn lao động” của Công ty HTC với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương ngày 21/7/2017, PV báo Công lý tìm về thôn Cẩm Trạch, xã Đạo Tú, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc để tìm gặp gia đình nạn nhân.

Tuy nhiên, các cán bộ của UBND xã Đạo Tú đều khẳng định không có người nào tên là Phùng Văn Tiến bị tử vong ngày 18/07/2017 trong vụ tai nạn tại Hải Dương ở địa phương và khuyên PV nên tìm kiếm tại một số xã lân cận vì dòng họ “Phùng Văn” là một dòng họ lớn.

Tiếp tục tìm kiếm thông tin từ người dân và cán bộ các xã lân cận, PV đã có được những thông tin ban đầu về nạn nhân Phùng Văn Tiến và Nguyễn Văn Thạch.

Theo ông Hoàng Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Hướng Đạo (huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc), anh Phùng Văn Tiến (sinh 02/02/1991, HKTT tại thôn Phú Cường, xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) tử vong ngày 18/07/2017 tại bệnh viện Việt Đức trong vụ tai nạn tại Hải Dương đã được ông xác nhận trong bản trích lục khai tử ngày 20/7/2017.

Còn nạn nhân Nguyễn Văn Thạch có địa chỉ thường trú tại thôn Cẩm Trạch, xã Đạo Tú, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc bị đa chấn thương được phẫu thuật tại bệnh viện Việt Đức rồi chuyển về bệnh viện Vĩnh Phúc. Hiện nay, anh Thạch đã phần nào hồi phục và đang tiếp tục điều trị tại gia đình.

Vụ tai nạn lao động tại công trình EVN Hải Dương: Trách nhiệm thuộc về ai?

Ông Phùng Văn Hải, bố đẻ của anh Phùng Văn Tiến, nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn 

Tiếp xúc với PV, ông Phùng Văn Hải, bố đẻ của anh Phùng Văn Tiến, chậm rãi kể lại: “Gia đình tôi sinh ba lần được bốn cháu đều là con trai. Cháu Tiến được sinh đôi lần thứ ba và là anh của Phùng Văn Mạnh. Tiến có thể lực tốt, làm thợ xây ở Hà Nội. Tiến được bạn là Thạch (Nguyễn Văn Thạch sinh năm 1990, cùng là nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn) ở thôn Cẩm Trạch, xã Đạo Tú rủ đi làm thuê cho công trình xây dựng tại Hải Dương. Thạch là chỗ thân quen với anh Nguyễn Khắc Trung làm thi công thang máy cho công ty HTC ở Hà Nội. Tiến có nói với gia đình là làm ở công trình Hải Dương được trả lương theo ngày, cao hơn so với làm xây dựng ở Hà Nội. Sáng chủ nhật (16/7/2017), Tiến theo Thạch xuống Hải Dương làm việc. Ngay chiều ngày hôm đó, Tiến bắt đầu làm việc cho công ty HTC và đến hơn 7h ngày 18/7/2017 thì xảy ra tai nạn".

Ông Hải cho biết thêm, ông được anh Thạch kể lại, khi hai anh em đang làm trên tầng 9 của tòa nhà 11 tầng EVN Hải Dương thì bất ngờ xảy ra sự cố, đứt dây. Cả anh Thạch và Tiến cùng bị rơi từ tầng 9 xuống chứ không phải từ tầng 4 như anh Nguyễn Khắc Trung công ty HTC đã nói với gia đình. Vì Tiến cao to lại không có chút kinh nghiệm nào đối với công việc mới nên bị rơi tự do từ tầng 9 xuống đất, đầu bị va chạm liên tục vào các vật cứng dẫn đến tử vong khi được đưa vào bệnh viện Việt Đức.

Vụ tai nạn lao động tại công trình EVN Hải Dương: Trách nhiệm thuộc về ai?

Ngôi nhà gia đình ông Phùng Văn Hải, bố đẻ của anh Phùng Văn Tiến đang ở.

"Gia đình đã quyết định đưa Tiến về nhà lo mai táng cho cháu. Vì với gia đình tôi, tính mạng con người là cái quý nhất, mất người rồi thì chẳng cần gì nữa, tôi muốn cháu được an nghỉ, được ra đi một cách thanh thản. Khi đưa cháu từ bệnh viện về nhà mai táng, anh Nguyễn Khắc Trung (đại diện cho công ty HTC) có đưa cho gia đình 50 triệu đồng. Sau khi mai táng xong cho cháu, gia đình nhận thêm 20 triệu đồng nữa từ anh Trung. Tôi đã tính rất kỹ các chi phí mai táng cho cháu và chỉ sử dụng số tiền của anh Trung hỗ trợ gia đình vào việc lo hậu sự cho cháu. Tuyệt đối, dù chỉ một đồng gia đình tôi cũng không lấy để sử dụng vào các việc khác".

Một bản án lương tâm về trách nhiệm

Khi được hỏi về thái độ, trách nhiệm của các đơn vị có liên quan trong vụ tai nạn, ông Hải bùi ngùi chia sẻ: “Tôi cũng nghe nói cháu làm cho công ty ở Bộ Quốc phòng, tuy nhiên trong suốt thời gian từ khi xảy ra tai nạn đến nay đã gần một tháng trời nhưng chưa có đại diện nào của các công ty liên quan tới tai nạn tới thắp hương, động viên, chia sẻ với gia đình ngoài anh Trung".

Ông Hải cho biết thêm, ngày 02/8/2017, ông Hải xuống Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương họp cùng các cơ quan chức năng và ký biên bản làm việc về vụ tai nạn lao động xảy ra đối với anh Tiến thì có biết thêm anh Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc công ty HTC. 

Vụ tai nạn lao động tại công trình EVN Hải Dương: Trách nhiệm thuộc về ai?

Ông Trần Ngọc Minh, Chánh văn phòng Tổng công ty 319 – BQP trao đổi với PV

Trước đó, trao đổi với PV về vụ tai nạn lao động, ông Trần Ngọc Minh, Chánh văn phòng Tổng công ty 319 – BQP đã khẳng định: “Đơn vị trực tiếp thi công cùng với nhà thầu phụ đã thực hiện đầy đủ những cam kết, hỗ trợ với gia đình người bị nạn. Về phía đơn vị, trực tiếp đồng chí Chủ tịch Tổng công ty cũng đã đến động viên gia đình và phối hợp cùng với các đơn vị liên quan để giải quyết vấn đề này".

Theo ghi nhận thực tế từ gia đình nạn nhân, cả Chủ đầu tư (Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương), nhà thầu chính (Tổng Công ty 319 - BQP) đều không có lãnh đạo, cán bộ nào trực tiếp xuống thắp nén hương cho nạn nhân, động viên, chia sẻ cùng gia đình nạn nhân. Đơn vị trực tiếp thi công để xảy ra tai nạn lao động (Công ty HTC) cũng chỉ cử một cán bộ giải quyết chế độ, hỗ trợ, bồi thường cho gia đình nạn nhân.

Vụ tai nạn lao động tại công trình EVN Hải Dương: Trách nhiệm thuộc về ai?

 Hố thang máy, nơi xảy ra tai nạn

Trong cuộc trao đổi với PV ngày 03/8/2017, ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc công ty HTC đã nhấn mạnh: “Ngày 02/8/2017, bên công ty đã họp tại Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương với tất cả các bên liên quan gồm Sở LĐ-TB&XH, Cơ quan công an, Tổng công ty 319 - BQP, Chủ đầu tư (Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương), Công ty tư vấn giám sát để đưa ra kết luận về nguyên nhân dẫn tới tai nạn. Chỉ một hai ngày nữa sẽ có toàn bộ kết luận để cung cấp cho báo chí.”

Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại (ngày 16/8/2017), chưa có kết luận nào được công bố, lãnh đạo các công ty, đơn vị có liên quan cũng liên tục từ chối gặp gỡ báo chí với lý do "đi công tác".

Dù vụ tai nạn lao động nghiêm trọng cướp đi tính mạng con người nhưng nguyên nhân không được tiết lộ, trách nhiệm và chế tài xử lý các tổ chức, cá nhân gây ra vụ tai nạn dẫn đến thương vong không được làm rõ. Vậy trách nhiệm thuộc về ai?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ tai nạn lao động tại công trình EVN Hải Dương: Trách nhiệm thuộc về ai?