Sai phạm tại bến xe huyện Phú Thiện: Trách nhiệm của chính quyền các cấp ở đâu?

Trần Sỹ| 04/12/2019 08:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

UBND huyện Phú Thiện (Gia Lai) đã có báo cáo gửi UBND tỉnh cùng một số Sở, ban ngành phản hồi về loạt bài viết của Báo Công lý về những sai phạm tại Bến xe Phú Thiện.

UBND huyện Phú Thiện báo cáo những gì?

Theo đó, tại Báo cáo số 1139/UBND-TH của ông Rơ Chăm La Ni- Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện ký ngày 10/10/2019, về việc phản hồi thông tin báo chí phản ánh (Cụ thể ở đây là Báo Công lý-PV), UBND huyện này cho rằng: “Việc xây dựng cây xăng dầu (trạm cấp nhiên liệu), nhà nghỉ có trong danh mục xây dựng được quy định tại quyết định số 581/QĐ-UBND ngày 7/10/2015 của UBND tỉnh và được cấp giấy phép xây dựng số 110/GPXD ngày 29/11/2016 và giấy phép xây dựng số 03/GPXD ngày 16/1/2017… Hiện nay, nhà đầu tư đã thi công cơ bản hoàn thành các hạng mục cần thiết phục vụ bến theo tiến độ thực hiện dự án giai đoạn 01/2016-12/2016 gồm: Bãi đậu xe; giao thông nội bộ; nhà điều hành; nhà chờ; nhà vệ sinh; tường rào; hệ thống điện, nước. Các hạng mục còn lại thuộc giai đoạn từ tháng 1/2017-5/2017 nhà đầu tư đang hoàn thiện gồm: Nhà hàng, nhà nghỉ; trạm cấp nhiên liệu”.

Ở đây, ngoài trạm nhiên liệu mới được cấp phép xây dựng riêng, thì còn rất nhiều hạng mục thực hiện không đúng với giấy phép xây dựng và tiến độ dự án theo Quyết định 581. Cụ thể: Nhà điều hành trong giấy phép do Sở Xây dựng cấp ngày 29/11/2016 tại số 110/GPXD thể hiện rõ là 2 tầng; diện tích xây dựng 165,3m2, tổng diện tích sàn là 324,6m2; chiều cao 11m. Vậy nhưng thực tế, chủ đầu tư bến xe này là công ty TNHH Đức Lâm chỉ xây dựng một tầng. Đáng chú ý, theo nguồn tin mà phóng viên có được, khi khánh thành theo từng giai đoạn, đã có rất nhiều lãnh đạo huyện và nhiều ban ngành khác tham dự.

Sai phạm tại bến xe huyện Phú Thiện: Trách nhiệm của chính quyền các cấp ở đâu?

Mặt trước cổng của Bến xe huyện Phú Thiện.

Ngoài ra, theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư thì chậm nhất đến 5/2017 phải hoàn thiện tất cả các hạng mục nhưng tại sao đến nay, các hạng mục còn lại thuộc giai đoạn từ tháng 1/2017-5/2017 nhà đầu tư lại đang hoàn thiện như: Nhà hàng, nhà nghỉ … Vậy, căn cứ vào quy định nào để công ty này tiếp tục thi công các hạng mục trong khi thời gian trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng như Quyết định số 581 của UBND tỉnh Gia Lai đã hết?.

Bản thân ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện cũng nhìn nhận, đây là bến xe cấp 4, hiện nay chưa đưa vào sử dụng, đang trong quá trình xây dựng theo hồ sơ của chủ đầu tư. “Tức là chưa xây dựng xong, cho nên vẫn chưa đưa vào sử dụng. Thời gian thi công khoảng 1 năm (2016-PV). Bến xe làm chậm là do năng lực nhà đầu tư không đủ tài chính để làm. Thời điểm khánh thành cũng chưa xây dựng đủ hết...”.

Báo cáo của huyện Phú Thiện cũng thể hiện rõ, việc Báo Công lý cho rằng chính quyền địa phương “đá bóng” trách nhiệm là chưa chính xác. Huyện đã đưa ra các căn cứ cũng như Văn bản số 03/2019/QĐ-UBND ngày 7/1/2019 của UBND tỉnh Gia Lai. Ở nội dung này, trước đó, Báo Công lý đưa theo lời của Chủ tịch UBND xã Ia Ke ông Bùi Văn Khiêm và Phó Chủ tịch UBND huyện ông Nguyễn Anh Tuấn. Việc hai vị này “đá bóng” trách nhiệm cho nhau đã được Báo Công lý thông tin hai chiều rất cụ thể. Như vậy, thay bằng làm rõ các phát ngôn, thì Chủ tịch huyện lại cho rằng Báo Công lý đưa tin chưa chính xác(!?).

Chính quyền và các ban ngành có vô can?

Việc sai phạm tại bến xe huyện Phú Thiện, đến nay Báo Công lý đã có rất nhiều bài phản ánh qua các tài liệu hồ sơ mà PV có được cũng như qua các kênh trả lời từ nhà đầu tư (Công ty TNHH Đức Lâm) cho đến Chủ tịch UBND xã Ia Ke (nơi bến xe tọa lạc), Phó Chủ tịch UBND huyên Phú Thiện. Đặc biệt, còn có sự tham gia của 2 vị Giám đốc: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng của tỉnh Gia Lai.

Thay vì nhận trách nhiệm ở góc độ địa phương thì huyện Phú Thiện lại nêu ra các sai phạm như chậm tiến độ dự án… vì những lý do khách quan không thể chấp nhận được như kêu gọi đầu tư rất khó khăn, tốn thời gian. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện vì lý do khách quan và chủ quan nên nhà đầu tư đã triển khai thi công chậm tiến độ theo chủ trương được duyệt và không đăng ký thủ tục giãn tiến độ đầu tư theo quy định.

Trước đó, như loạt bài Báo Công lý đã phản ánh, trong đó thể hiện rõ việc xây dựng bến xe ở các huyện theo xã hội hóa là chủ trương đúng đắn, phát huy được nguồn lực từ các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn. Vậy nhưng, không vì thế mà các doanh nghiệp được cấp phép lại triển khai xây dựng không tuân thủ quy định.

Bản thân ông Nguyễn Đức Lạc (Giám đốc Công ty TNHH Đức Lâm) cũng cho rằng: giấy phép không gia hạn nữa. Nhà điều hành 2 tầng nhưng chỉ làm 1 tầng, hôm khai trương ông đã báo cáo với các Sở ngành và Huyện. Công ty đổ trụ là để xây dựng 2 tầng nhưng giờ đổ 2 tầng thì mất quá nhiều tiền trong lúc không thu lại được nên công ty đang dừng lại ở đó.

“Bây giờ chưa có xe, chỉ 1 tuyến xe Tiến Đạt thì 2 tháng nay không chạy nữa. Nếu đông người chúng tôi sẵn sàng dỡ mái trước để làm lên tầng trên, việc này dễ thôi vì đổ trụ và các thứ hết rồi”, ông Lạc nhấn mạnh.

Sai phạm tại bến xe huyện Phú Thiện: Trách nhiệm của chính quyền các cấp ở đâu?

Một số công trình đang xây dựng ngổn ngang.

Nói về trách nhiệm quản lý nhà nước trong sự vụ, giữa hai cấp chính quyền huyện và xã đã có sự đùn đẩy, “đá bóng” trách nhiệm cho nhau: Theo ông Bùi Văn Khiêm (Chủ tịch xã Ia Ke) thì dự án bến xe thuộc về huyện Phú Thiện quản lý vì nó chỉ nằm trên địa bàn xã. Đây là dự án kêu gọi của huyện là 1 bến xe lớn. Vấn đề đủ điều kiện hoạt động hay không đủ điều kiện hoạt động thì huyện phải có trách nhiệm chứ không phải xã. “Nếu đổ cho UBND xã thì tôi thấy không rõ trách nhiệm. Nếu đất của khu dân cư là khác, còn đây đất nằm trong dự án, nên trách nhiệm thuộc về Phòng Kinh tế Hạ tầng của huyện. Quyết định chủ trương đầu tư cũng không gửi về cho xã”, ông Khiêm nói.

Ngược lại, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện cho rằng: “Theo quy định, chính quyền địa phương phải thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn do mình quản lý”. Khi được hỏi, đây là dự án của tỉnh giao cho huyện, Chủ tịch UBND xã Ia Ke nói không có trách nhiệm trong này, ông Tuấn nhấn mạnh: “Đã nói là kiểm tra trật tự trên địa bàn của ai không biết, kể cả của TW. Trên địa bàn mình quản lý thì xã phải kiểm tra chứ, xã nói thế không đúng”.

Đại diện Sở KH&ĐT cho biết, năm 2015 Sở có cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án bến xe Phú Thiện. Quy mô diện tích được cấp là 8.500m2. Tổng mức đầu tư trên 18,6 tỉ đồng. Nguồn vốn thực hiện 100% của doanh nghiệp (Công ty TNHH Đức Lâm-PV), quy mô xây dựng bến xe cấp 4.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sai phạm tại bến xe huyện Phú Thiện: Trách nhiệm của chính quyền các cấp ở đâu?