Khai thác cát tràn lan ở Vĩnh Phúc - Bài 3: Cấp phép khai khoáng, tăng gánh nặng ngân sách

Trọng Nghĩa| 12/06/2017 06:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc bất hợp lý trong cấp phép khai thác cát tràn lan ở Vĩnh Phúc kéo theo số tiền thuế phát sinh của các doanh nghiệp, tuy nhiên số tiền này không đủ để khắc phục sạt lở, đó là chưa kể số diện tích đất nông nghiệp của người dân bị "hà bá" lấy mất.

Khắc phục sạt lở gần bằng 10 năm đóng thuế 

Theo thông tin từ Cục thuế tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến ngày 30/04/2016, nghĩa vụ tài chính phát sinh của các doanh nghiệp được cấp phép trên bờ sông Lô cụ thể như sau: Công ty TNHH XD PTHT Vân Hội là 1.112.478,478 đồng; Công ty TNHH An Viên 602.978.505 đồng; Công ty CP Tư vấn ĐTXD Bắc Ái là 1.226.003.000 đồng và 8.250.789.000 đồng; Công ty TNHH VT&XD Vĩnh Phúc là 2.534.373.349 đồng và 1.103.822.300 đồng; Công ty CPKS Đông Dương AVA là 2.423.273.270 đồng; Công ty CPXDĐT Phúc Lợi Hà Nội là 4.517.155.300 đồng; Công Ty CP CB LKS Hoàng Phát là 722.584.800 đồng; Công ty CP XD&TM Linh Hải là 2.026.433.010 đồng; Công ty CP KS Đại Việt là 1.342.183.528 đồng; Công ty TNHH ĐTTM&DV Phúc Vinh là 13.886.100 đồng. Như vậy, tổng số tiền phát sinh trong khoảng 10 năm mà các doanh nghiệp này phải nộp vào ngân sách khoảng 25 tỉ đồng.

Khai thác cát tràn lan ở Vĩnh Phúc - Bài 3: Cấp phép khai khoáng, tăng gánh nặng ngân sách

Báo cáo của Cục thuế chỉ rõ nhiều đơn vị nợ đọng thuế, không kê khai thuế

Như vậy, số tài chính phát sinh mà các doanh nghiệp này có nghĩa vụ nộp vào ngân sách khá khiêm tốn so với số tiền ngân sách phải bỏ ra để khắc phục những hậu quả mà việc khai thác này đem lại.

Đơn cử, ngày 28/07/2016, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Quyết định số 2466/QĐ-UBND về việc Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án ĐTXD công trình Kè chống sạt lở bờ Tả sông Lô, đoạn từ K9+100 và đoạn từ K9+500 đến K9+950 xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô. Công trình này do Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư là hơn 19 tỉ đồng.

Quá trình triển khai thực hiện, công trình được khởi công ngày 04/02/2017, thời gian thi công 180 ngày. Ngày dự kiến hoàn thành 30/07/2017. Nhưng thực tế cho thấy, đến nay tiến độ công trình vẫn đang “ì ạch”, chưa biết bao giờ hoàn thành. Bởi lẽ, theo thông tin từ Ban Quản lý dự án (Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc) khi chuẩn bị bắt tay vào thi công dự án đã được phê duyệt, thì cũng là lúc tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra liên tục khó lường, nên phải điều chỉnh và chưa thể thi công.

Với một đoạn đê rất ngắn, nhưng tổng số chi phí khắc phục tình trạng sạt lở trong năm 2016 đã ngốn gần hết số tài chính của tất cả các doanh nghiệp phải nộp vào ngân sách trong vòng 10 năm qua trên dòng sông Lô. Như vậy, hàng năm ngân sách nhà nước vẫn đang phải căng mình lên để khắc phục những hậu quả cho việc khai thác tràn lan này.

Câu hỏi đặt ra, sẽ còn bao nhiêu ngân sách nhà nước phải bỏ ra để khắc phục tình trạng sạt lở, khi mà việc cấp phép tràn lan cho các doanh nghiệp khai thác nhưng UBND tỉnh không quản lý được.

Doanh nghiệp chây ì, cơ quan thuế chưa làm tròn trách nhiệm

Từ những phản ánh trên có thể thấy hậu quả của việc cấp phép khai thác cát tràn lan tại Vĩnh Phúc, chưa tính đến các doanh nghiệp này chây ì, không kê khai thuế, nhưng không thấy cơ quan thuế kiến nghị UBND tỉnh quyết định tạm dừng hoạt động khai thác, hoặc thu hồi giấy phép hoạt động.

Tại huyện Sông Lô, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp 11 giấy phép cho 6 doanh nghiệp được khai thác cát, trong đó có Công ty CP khai thác và chế biến Lâm khoáng sản Hoàng Phát (Quyết định số 1597/QĐ-UBND ngày 08/07/2011 do ông Hà Hòa Bình, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký về việc “Phê duyệt DA và cấp phép khai thác mỏ cát Sông Lô”). Chi cục thuế huyện Sông Lô đã yêu cầu Công ty này kê khai và nộp thuế theo quy định của pháp luật nhưng công ty Hoàng Phát vẫn không kê khai và nộp thuế (báo cáo của Cục thuế Vĩnh Phúc).

Khai thác cát tràn lan ở Vĩnh Phúc - Bài 3: Cấp phép khai khoáng, tăng gánh nặng ngân sách

Hàng loạt văn bản yêu cầu doanh nghiệp đóng thuế nhưng không có chế tài hợp lý của Cục thuế tỉnh Vĩnh Phúc

Ngày 14/05/2015, DN này tiếp tục được ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định số 1265/QĐ-UBND về việc “Phê duyệt tiền cấp quyền khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường tại điểm mỏ xã Đôn Nhân”.

Tình trạng các DN nợ thuế vẫn tiếp tục kéo dài như Công ty Bắc Ái nợ tiền cấp quyền khai thác, thuế giá trị gia tăng, phí bảo vệ môi trường, số tiền lên đến gần 2,7 tỉ đồng nhưng vẫn được khai thác. Theo hướng dẫn của Tổng cục thuế, từ năm 2015, nếu DN nợ thuế, có thể bị dừng hoạt động đến khi thực hiện xong nghĩa vụ tài chính.

Tuy nhiên, nhiều DN nợ tiền cấp quyền, thuế GTGT lưu từ năm này sang năm khác nhưng vẫn được tiếp tục khai thác khoáng sản. Chỉ đến đầu năm 2017, do phản ánh từ người dân và trước tình trạng mất trật tự ở địa bàn khai thác, Công ty Bắc Ái mới dừng hoạt động, từ đó mới phát hiện còn nhiều thủ tục mà DN này chưa hoàn thiện.

Việc khai thác khoáng sản của Công ty Bắc Ái cũng là nguyên nhân gây ra sạt lở diện tích đất canh tác ở địa phương. Nguy hiểm hơn, vị trí sạt lở cách chân đê gần nhất là 30m, đe doạ nghiêm trọng đến hệ thống đê và hệ thống kè Sông Lô. Điều lạ là, tình trạng nợ thuế của DN kéo dài nhưng Cục thuế tỉnh và các cơ quan quản lý Vĩnh Phúc mới chỉ cho DN này tạm dừng khai thác, chứ chưa thể đưa ra biện pháp cứng rắn là thu hồi giấy phép khai thác theo quy định của pháp luật.

Để xảy ra sai phạm này, trách nhiệm một phần thuộc về Cục thuế là cơ quan quản lý nhà nước nhưng lại không sát sao, đôn đốc và giám sát chặt chẽ quá trình nộp thuế, không có biện pháp cứng rắn đối với các DN vi phạm dẫn đến nợ thuế quá nhiều, nợ tồn đọng từ năm này sang năm khác; những doanh nghiệp vi phạm vẫn được hoạt động bình thường, chỉ phải chịu lãi phạt đối với khoản tiền chậm nghĩa vụ tài chính.

Khai thác cát tràn lan ở Vĩnh Phúc - Bài 3: Cấp phép khai khoáng, tăng gánh nặng ngân sách

Đoạn đê sạt lở, được phê duyệt kinh phí khắc phục 19 tỉ đồng

Chính Cục thuế tỉnh Vĩnh Phúc đã thừa nhận hàng loạt sai phạm trong trách nhiệm quản lý của mình như: “Trên địa bàn một số huyện, TP, thị xã vẫn còn tình trạng tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản chưa được Chi cục thuế sở tại đưa vào theo dõi, quản lý; không thực hiện việc quyết toán thuế tài nguyên và phí BVMT; một số trường hợp khai chưa đúng giá tính thuế tài nguyên và phí BVMT đã khai thác; các Chi cục thuế chưa thực hiện quyết toán đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý; tình trạng nợ đọng kéo dài nhưng Chi cục thuế chưa có biện pháp để truy thu” - (Trích Văn bản số 3004/CT-THNVDT ngày 03/06/2014 của Cục thuế tỉnh Vĩnh Phúc về việc “Chấn chỉnh công tác quản lý thu thuế TN và phí BVMT đối với hoạt động KTTNKS gửi các phòng thuộc Văn phòng Cục thuế, Chi cục thuế các huyện”).

Điều khó hiểu là, hàng loạt các DN chây ì nợ thuế như vậy, nhưng Cục thuế Vĩnh Phúc vẫn không hề có những giải pháp mạnh tay hơn để các DN phải thực hiện nghĩa vụ chấp pháp về thuế của mình, mà chỉ dừng ở việc gửi văn bản yêu cầu, đôn đốc thực hiện nghĩa vụ này? Theo một cán bộ thuế, nếu DN cứ chây ì như vậy, Chi cục thuế có thể kiến nghị UBND tỉnh dừng việc khai thác cát của các DN này. Hoặc Cục thuế có thể “mạnh tay” hơn nữa là vô hiệu hóa hóa đơn của các DN. Tuy nhiên việc này đã không được thực hiện tại Cục thuế Vĩnh Phúc.

Đề nghị, Bộ TN&MT, UBND tỉnh Vĩnh Phúc xem xét lại tính hiệu quả của việc cấp phép này, tiến tới cấm, thu hồi các giấy phép khai thác cát nếu nó ảnh hưởng đến an sinh của nhân dân. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong sự việc này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thác cát tràn lan ở Vĩnh Phúc - Bài 3: Cấp phép khai khoáng, tăng gánh nặng ngân sách