Huyện Phú Xuyên, Hà Nội: Cần xử lý dứt điểm vụ việc kéo dài 24 năm

Gia Hưng| 21/05/2018 06:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từng được UBND huyện Phú Xuyên gửi giấy mời đến làm việc để giải quyết chuyện đất đai nhưng kết quả, suốt 24 năm trời, cả ba hộ dân vẫn chưa rõ hướng giải quyết của UBND huyện với mình sẽ như thế nào?

Nộp phạt để được tồn tại

Trước năm 1994, ba gia đình các ông, bà Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn  Văn Nhiệm và Nguyễn Thị Huyên, đều sống tại thôn An Khoái, xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên tiến hành lấp đất khai hoang ba thửa đất tại xã Phúc Tiến, cách đường quốc lộ 1A không xa để làm đất ở. Riêng trường hợp của ông Nguyễn Văn Nhiệm, vốn là công nhân Xí nghiệp thủy sản huyện Phú Xuyên được lãnh đạo Xí nghiệp tạo điều kiện cho vượt (lấp) đất để làm nhà, vừa có chỗ ở, vừa đảm bảo được nhiệm vụ trông coi ao cá của Xí nghiệp.

Làm việc với phóng viên, ông Nhiệm cho biết, sau này, UBND xã Phúc Tiến cho rằng các ông, bà lấn chiếm đất, đồng thời tiến hành xử phạt để được sử dụng các diện tích đất nói trên.

Chấp hành quyết định của xã, ngay trong năm 1993, cả ba gia đình đã tới Chi cục thuế huyện Phú Xuyên đóng tiền đất, giờ biên lai gốc họ vẫn giữ. Trên các Biên lai thu phí và lệ phí của Cục thuế đều ghi rõ lý do nộp tiền của các hộ là: “Lệ phí đền bù đất” hoặc: “Lệ phí bồi thường đất”.

Ngày 13/10/1994, ông Phạm Nghiệp Nghề, Chủ tịch UBND xã Phúc Tiến có báo cáo tới UBND huyện Phú Xuyên phản ánh thực trạng đất khu vực các ông, bà khai hoang. Từ báo cáo này cho thấy, ngoài 3 gia đình còn có một số gia đình khác cũng khai hoang đất và đều có trách nhiệm đóng tiền cho Chi cục thuế. Báo cáo có nội dung sau: “Số hộ dân người thì đã vượt đất, người thì đã xây móng trụ. Tuy nhiên, đó không phải là đất cấp mà là đất tự lấn chiếm từ 1987-1989. Về việc này, UBND xã đã xử lý thu phạt lấn chiếm, số tiền xã thu được nộp về huyện và tỉnh theo tỷ lệ quy định. Cụ thể là 5 hộ, 4 hộ đã vượt, 1 hộ xây móng trụ. UBND xã đã thu phạt hai hộ từ 1989 đến nay: 1) Nguyễn Thị Chuyên 686.000 đồng; 2) Nguyễn Văn Nhiệm 2.764.000 đồng. Việc vận động số hộ trên rời khỏi vị trí này cần phải được tính toán hoàn trả số tiền dân đã nộp phạt và số tiền dân đã vượt”.

Báo cáo này cho thấy một sự thật là UBND xã đã thu tiền và để cho 5 hộ lấn đất được tồn tại. Ông Nhiệm cho biết ở thời điểm đó đất đai không quá khó khăn như bây giờ, các diện tích nói trên không nằm trong dự án nào, đất cũng chẳng tranh chấp với ai. Số tiền nộp về Chi cục thuế rất cao, thực chất đây là tiền mua quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, vào thời điểm ngày 27/10/1994, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) ban hành Quyết định số 493-QĐ/UB có nội dung: “Giao 2.240m2 mặt hồ, trong đó thuộc xã Đại Xuyên 1.316m2, xã Phúc Tiến 924m2, huyện Phú Xuyên cho Hạt 5, phân khu quản lý đường bộ 236 (nay là Cty cổ phần Quản lý và Xây dựng công trình giao thông 236-PV) để xây dựng trụ sở, kho và bãi để vật tư xe máy phục vụ thi công QL1A”. Quyết định này cho thấy đất của Hạt 5 được phân đã đè lên đất của ba hộ dân nói trên.

Trước đó, từ chỉ đạo của tỉnh Hà Tây, UBND huyện Phú Xuyên giao nhiệm vụ cho Phòng Nông nghiệp cùng UBND hai xã Phúc Tiến và Đại Xuyên tiến hành đo đạc diện tích đất. Thực hiện chỉ đạo, Phòng Nông nghiệp huyện  đã cho ra đời bản đồ đo vẽ sơ sài vào ngày 10/10/1994. Điều đáng nói ở chỗ, bất chấp việc ba hộ dân nói trên và các hộ dân khác đã sinh sống ở đây từ những năm 1983, được cấp đất trước Hạt 5 và đã đóng tiền về Cục thuế huyện nhưng trong bản đồ này lại cho rằng đây chỉ là đầm nuôi cá. Đương nhiên các mốc giới của bản đồ không được thể hiện cụ thể, không thấy được có việc vào nhà dân đo đạc hiện trạng.

Như vậy, theo ông Nhiệm, việc báo cáo không trung thực của Phòng Nông nghiệp huyện Phú Xuyên đã dẫn tới việc UBND tỉnh Hà Tây cho rằng khu vực này không có dân sinh sống nên mới ban hành Quyết định số 493-QĐ/UB giao đất cho Hạt 5. Ngay sau khi được giao đất, năm 1994, phía Hạt 5 đã cho san lấp đất đè lên đất của ba gia đình. Tiếp đó, sau một thời gian lên tới gần 20 năm bỏ đất hoang hóa thì bắt đầu từ năm 2015, Hạt 5 tiếp tục làm công tác san nền, đặc biệt cuối năm 2017 và đầu năm 2018 họ cho xây dựng công trình trên đất của ba gia đình.

Ông Nguyễn Văn Thắng cho biết, mặc dù bị mất đất nhưng sau 24 năm họ vẫn chưa được cầm trên tay Quyết định số 493-QĐ/UB của UBND tỉnh Hà Tây. Cũng theo ông Thắng, trong quá trình thi công, Hạt 5 có dấu hiệu lấn chiếm đất công bằng cách cho xe ô tô san lấp vượt diện tích được giao hàng trăm mét vuông đất, chủ yếu bằng cách đổ cát lấn xuống diện tích ao sát với đất của Hạt 5. Mặt khác, đơn vị này cũng cho xây tường bao vượt ra khỏi diện tích đất của mình.

Huyện Phú Xuyên, Hà Nội: Cần xử lý dứt điểm vụ việc kéo dài 24 năm

Ba hộ dân cho rằng công trình xây dựng của Hạt 5 đang nằm đè lên đất của họ

Hy vọng sự việc kết thúc có hậu

Được biết, ngày 22/5/2017, UBND huyện Phú Xuyên có gửi giấy mời tới ba hộ dân này làm việc. Trong đó, UBND huyện giao nhiệm vụ cho UBND xã Phúc Tiến: “chuẩn bị báo cáo đề xuất phương án giải quyết đối với các phiếu thu lệ phí bồi thường đất của 3 hộ dân nêu trên”. Thế nhưng, giấy mời có thật nhưng lại chẳng có buổi gặp mặt hay đối thoại nào được diễn ra.

Tháng 4/2018, trước đề nghị giải quyết dứt điểm sự việc từ ba hộ dân, UBND huyện Phú Xuyên tiếp tục chỉ đạo Phòng TN&MT giải quyết đơn. Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Trọng Vĩnh, Trưởng phòng TN&MT huyện Phú Xuyên cho biết hiện đang có hai phương án giải quyết quyền lợi cho ba hộ dân. Thứ nhất, dựa trên rà soát về quỹ đất ở của UBND xã Phúc Tiến phù hợp với đất quy hoạch nông thôn mới. Giải pháp thứ hai là lấy đất từ một khu đô thị của huyện. Ông Vĩnh cho biết, mọi quyết định chính vẫn phụ thuộc vào lãnh đạo huyện và Sở TN&MT. UBND huyện cũng sẽ có báo cáo cụ thể và xin ý kiến từ Sở TN&MT.

Sự việc của ba hộ dân nói trên kéo dài tới nay đã 24 năm, một quãng thời gian không nhỏ với đời người. Hy vọng, UBND huyện Phú Xuyên sẽ có phương hướng giải quyết cụ thể để đảm bảo quyền lợi của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Phú Xuyên, Hà Nội: Cần xử lý dứt điểm vụ việc kéo dài 24 năm