Huyện Bình Chánh - TP.HCM: Khốn khổ vì bồi thường theo kiểu… "trả góp"

An Dương| 20/08/2018 08:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ruộng bỏ hoang nhiều năm, không đủ điều kiện để mua đất tái định cư ổn định cuộc sống do chủ đầu tư bồi thường theo kiểu “trả góp” là tình cảnh khốn khổ của nhiều hộ dân tại ấp 3, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh.

Những con số “nhảy múa”

Ông Bùi Văn Tiệp (nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367 Quân chủng Phòng không - Không quân) vừa lãnh án 2 năm tù treo về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” trong vụ Út “trọc” Đinh Ngọc Hệ. Ông Tiệp là nhân vật bị nhiều hộ dân tại xã Đa Phước phản ánh về việc thiếu trách nhiệm khi “treo” kinh phí bồi thường trong dự án thu hồi đất làm doanh trại tại huyện Bình Chánh.

Bốn hộ dân là chị em gồm bà Lê Thị Anh (SN 1955), Lê Thị Diệu (SN 1956),  Lê Thị Kim Lan (SN 1959) và Lê Thị Kim Phụng (SN 1959) có 4 phần đất rộng hơn 2 hécta tại ấp 3, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh. Cuối năm 2007, chị em bà Anh nhận thông tin cả 4 phần đất đang sử dụng sẽ bị thu hồi để chủ đầu tư là Sư đoàn 367 thực hiện dự án. Công ty ACC ứng vốn để đền bù giải phóng mặt bằng. Thời gian khởi công và hoàn thành năm 2008.

Thế nhưng, đến ngày 6/7/2011, Hội đồng BTGPMB Dự án đầu tư xây dựng doanh trại mới lập phương án số 111/PA-HĐBT. Một điều rất lạ là diện tích cũng như số tiền bồi thường liên tục “nhảy múa”, gây khó hiểu cho các hộ dân.

Bà Lê Thị Kim Lan bị thu hồi 4.982m2 đất theo quyết định ngày 7/7/2011 của UBND huyện Bình Chánh. Đến ngày 12/1/2012, huyện ra quyết định điều chỉnh, diện tích thu hồi giảm còn 2.224m2. Tương tự là trường hợp bà Lê Thị Diệu. Ngày 24/2/2009, UBND huyện ra quyết định thu hồi 6.493,1m2 của bà Diệu. Ngày 7/7/2011, huyện ra một quyết định khác, hạ diện tích xuống còn 6.297,5m2.

Huyện Bình Chánh - TP.HCM: Khốn khổ vì bồi thường theo kiểu…

Các hộ dân tại khu đất thu hồi trong dự án “treo” suốt 10 năm

Số tiền bồi thường cũng “nhảy múa” và được tăng theo kiểu nhỏ giọt. Ngày 7/7/2011, UBND huyện Bình Chánh ra quyết định thu hồi 10.921,1m2 đất của bà Lê Thị Anh. Ngày 16/1/2012, huyện ra quyết định (lần 1) bồi thường cho bà hơn 2,2 tỷ đồng. Gần 5 tháng sau, huyện ra tiếp quyết định (lần 2) ngày 15/6/2012 “bổ sung bồi thường” số tiền lên 2,33 tỷ đồng. Đến ngày 27/5/2016, huyện ra tiếp ký quyết định (lần 3) “bổ sung” cho bà Anh 2,65 tỷ đồng.       

Bà Lê Thị Anh cho rằng cách bồi thường theo kiểu “trả góp”, không xác định đúng thực tế loại đất gây thiệt hại lớn cho gia đình bà. Khu đất bị thu hồi có phần diện tích đất thổ vườn nhưng Ban BTGPMB chỉ tính giá đất nông nghiệp. Do đó bà Anh khiếu nại, chưa nhận 2,65 tỷ đồng.

Cũng như bà Anh, ban đầu bà Lê Thị Diệu được bồi thường 1,259 tỷ đồng. Sau 3 lần “bổ sung”, số tiền bồi thường bà Diệu nhích lên hơn 2 tỷ đồng. Bà Lê Thị Kim Lan cũng được bồi thường “trả góp”, cụ thể theo quyết định ngày 21/11/2012 là 955,9 triệu đồng. Đến ngày 27/4/2016, bà Lan được “bổ sung” 604,3 triệu đồng. Riêng bà Lê Thị Kim Phụng, chỉ bị thu hồi 222,8m2 được bồi thường hỗ trợ 55,7 triệu đồng.

Nhiều hộ dân chưa nhận tiền bồi thường, tiếp tục khiếu nại. Tuy chưa được giải quyết nhưng mới đây, họ nhận được quyết định “cưỡng chế thu hồi đất” nên gửi đơn kêu cứu khắp nơi…

Hệ lụy từ  bồi thường “treo” kinh phí

Các tài liệu thể hiện việc dự án bị “treo” xuất phát từ chủ đầu tư thiếu kinh phí, gây ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến các hộ dân cũng như nguồn lực xã hội. Ngày 5/6/2012 BBTGPMB huyện Bình Chánh đã có Công văn 659/BBT gửi Sư đoàn 367 về kinh phí bồi thường thể hiện tổng chi phí là 56,2 tỷ đồng. Đến ngày 5/6/2012, chủ đầu tư mới chuyển 40 tỷ đồng. Để đảm bảo kinh phí, BBTGPMB đề nghị chủ đầu tư chuyển phần kinh phí còn lại. Tuy nhiên, đến ngày 2/10/2012, BBTGPMB vẫn không nhận kinh phí của chủ đầu tư. Để đảm bảo công tác chi tiền bồi thường, BBT GPMB đề nghị sư đoàn 367 sớm chuyển kinh phí. Không có kinh phí nên việc bồi thường bị “treo” kéo dài nhiều năm.

Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, ông Nguyễn Thành Toại, Phó Ban BTGPMB huyện Bình Chánh cho biết từ năm 2012, BBTGPMB đã có văn bản gửi chủ đầu tư đề nghị chuyển kinh phí. Tuy nhiên, đến năm 2015, chủ đầu tư mới có văn bản trả lời. Như vậy, việc chủ đầu tư 3 năm “ngâm” kinh phí là có thật.

Về nguyện vọng của 4 hộ dân, ông Phạm Công Anh Vũ, Phó Chánh văn phòng UBND huyện Bình Chánh cho biết, thường trực UBND huyện đã họp nhiều lần, có đối thoại và phân tích với các hộ dân nhưng họ chưa đồng ý. Hiện vẫn còn 7 hộ chưa bàn giao mặt bằng. Về vấn đề phóng viên nêu ra việc chủ đầu tư “treo” kinh phí bồi thường, cần phải làm rõ, nếu có sai phải nghiêm túc nhìn nhận, xử lý, ông Vũ đã ghi nhận, báo cáo lãnh đạo, có biện pháp giải quyết thỏa đáng, để chấm dứt khiếu nại.

Được biết ngày 6/8/2018, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Chánh đã mời các hộ dân đến làm việc, ghi nhận các ý kiến liên quan đến quyết định cưỡng chế không phù hợp và đề nghị bồi thường chưa thỏa đáng, hoán đổi đất có vị trí và giá trị tương đương. Các hộ dân bày tỏ mong muốn UBND huyện Bình Chánh xem xét thấu tình đạt lý để ổn định cuộc sống. Nguyện vọng chính đáng trên cần được các cơ quan hữu trách sớm giải quyết theo đúng quy định pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Bình Chánh - TP.HCM: Khốn khổ vì bồi thường theo kiểu… "trả góp"