Cuộc chiến “giành rác” ở Củ Chi (TPHCM): Chủ đường rác “chết đứng”, dân khổ trăm bề

Nguyễn Thanh Vĩnh| 24/05/2017 16:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các chủ đường rác “chết đứng” vì thất thu, làm ăn thua lỗ, người dân hoang mang, khổ sở vì không biết nộp phí cho ai, trong khi rác thì ứ đọng.

Đó là những hệ lụy được hình thành do sự “dài tay” của chính quyền nhiều địa phương khi bước vào cuộc chiến “giành rác” với các đơn vị chuyên thu gom rác thải.

“Chết đứng” vì mất… “cần câu cơm”

Thời gian qua, nhiều chủ đường rác ở huyện Củ Chi (TPHCM) liên tục cầu cứu các cơ quan chức năng vì bất ngờ bị chính quyền địa phương thu hồi “cần câu cơm”. Đồng thời, những chủ đường rác này cũng phản ánh với báo chí rằng, sau nhiều năm được cho phép thực hiện việc thu gom rác tại địa bàn huyện Củ Chi, họ đã hoàn thành tốt công việc mình đảm nhận. Thế nhưng, đến đầu năm 2017, nhiều UBND xã ở huyện này lại thu hồi đường rác, ngăn cản, thậm chí gây khó dễ đối với các đơn vị đã có nhiều năm thu gom rác.

Cụ thể, bà Phan Thị Riếu - đại diện của Công Ty TNHH Môi Trường Ngọc Châu (gọi tắt là Công ty Ngọc Châu) cho hay, bà hoạt động thu gom rác tại ấp Bến Đò 1, ấp Bến Đò 2, ấp Đình (xã Tân Phú Trung) và các ấp Bàu Sim, Hậu (xã Tân Thông Hội) từ nhiều năm trước. Đến tháng 2/2017, thực hiện theo chỉ đạo của huyện về chấn chỉnh lại việc thu gom rác ở địa phương, xã Tân Thông Hội và xã Tân Phú Trung lại thu hồi các đường rác của bà và giao cho đơn vị khác thực hiện. Điều đáng nói là trước đó, bà Riếu và công ty của mình vẫn làm tốt công việc thu gom rác, được nhiều người dân tin tưởng, ủng hộ nhưng vẫn bị “tuýt còi”.

Cuộc chiến “giành rác” ở Củ Chi (TPHCM): Chủ đường rác “chết đứng”, dân khổ trăm bề

Bà Đặng Thị Hoa bức xúc khi bị xã Tân Thạnh Đông thu hồi đường rác của mình.

Tương tự, bà Đặng Thị Hoa – Giám đốc Công ty TNHH MTV Thu gom rác Kim Anh (gọi tắt là Công ty Kim Anh) cũng cho biết, từ năm 2008 đến đầu năm 2017, công ty vẫn được thực hiện thu gom rác sinh hoạt tại các ấp 1, 2, 2A, 3A, 3B, 4, 4A và ấp 5 (xã Tân Thạnh Đông). Tuy nhiên, đến tháng 2/2017, UBND xã Tân Thạnh Đông lấy lại đường rác của bà Hoa, gây khó khăn, thậm chí ngăn cản bà tiếp tục thực hiện việc thu gom rác mà thời gian trước bà vẫn thường làm.

Theo bà Hoa, một trong những lý do mà xã đưa ra để lấy lại đường rác của bà đó là do Công ty Kim Anh đã tăng phí thu gom rác, chưa làm đúng với Quyết định số 88/2008/QĐ-UBND.

“Công ty tôi đã tăng phí thu gom rác từ 10.000 – 15.000 đồng lên 25.000 – 30.000 đồng/tháng/ hộ gia đình. Bởi lẽ, do mọi chi phí thực hiện việc thu gom rác (xăng dầu tăng, tiền công lao động tăng,…) nên để không thua lỗ tôi không còn cách nào khác phải tăng phí. Mặc dù vậy, trước khi tăng phí tôi đã thỏa thuận với các hộ dân và đều được họ đồng ý, ủng hộ thậm chí có nhiều người còn bồi dưỡng thêm. Dân thì đồng tình, ủng hộ còn lãnh đạo xã thì thu hồi, ngăn cản khiến 2 tháng nay công ty tôi thất thu trầm trọng”, bà Đặng Thị Hoa bức xúc nói.

Cuộc chiến “giành rác” ở Củ Chi (TPHCM): Chủ đường rác “chết đứng”, dân khổ trăm bề

Cuộc chiến “giành rác” ở Củ Chi (TPHCM): Chủ đường rác “chết đứng”, dân khổ trăm bề

Nhiều người dân ở xã Tân Thạnh Đông phải gom rác vào các bao tải và chở ra đường lớn để chờ xã thu gom.

Được biết, 2 tháng gần đây, Công ty Kim Anh bị “tê liệt”, “chết đứng” do không thu được tiền phí gom rác. Nguyên nhân là do UBND xã Tân Thạnh Đông thông báo với người dân không được đóng phí thu gom rác cho công ty này mà phải đóng cho xã. Trong khi đó, vì sợ mất mối, Công ty Kim Anh phải chấp nhận đi “thu rác dùm” cho người dân.

Dân khổ trăm bề

Theo tìm hiểu của PV, cuộc tranh chấp giành quyền thu gom rác giữa chính quyền địa phương và các đơn vị thu gom rác đã khiến rất nhiều người dân hoang mang khi không biết đóng tiền phí cho ai.

Nhiều người dân tại xã Tân Thạnh Đông cho biết, từ trước đến giờ họ đã quen với việc nộp phí cho Công ty Kim Anh. Nhưng đến nay, UBND xã này lại thông báo rằng, người dân phải để xã thu gom rác và đóng tiền cho xã, chứ không được tiếp tục đóng cho Công ty Kim Anh. Chính việc này đã khiến không ít người dân sống tại đây rơi vào trạng thái lúng túng, khó xử khi không biết phải nghe theo ai.

Cuộc chiến “giành rác” ở Củ Chi (TPHCM): Chủ đường rác “chết đứng”, dân khổ trăm bề

Người dân ở xã Tân Thạnh Đông tỏ ra e ngại khi cho biết bãi tập kết rác mà chính quyền xã mới xây dựng ở gần khu dân cư

Hơn thế nữa, một số người dân còn phản ánh, lãnh đạo xã Tân Thạnh Đông đã vào cuộc, chỉ đạo lực lượng thu gom rác thải sinh hoạt của người dân. Mặc dù vậy, khoảng 10 ngày, họ mới thấy xã cho người đi gom rác 1 lần. Sự “thong thả” của xã này đã gây nên việc ứ đọng rác thải tại một số gia đình. Tất nhiên, để không sống chung với rác, nhiều người dân đã phải tự cho rác vào bao tải rồi mang ra đường lớn chờ ngày xã đến “giải quyết”. Một số khác lại gọi Công ty Kim Anh đến lấy rác.

Trao đổi với PV, chị Đinh Thị Thiên (người dân sống tại xã Tân Thạnh Đông) bộc bạch: “Cách đây khoảng 10 ngày, xã có cho người đến gom rác và thu phí một lần. Từ đó tới nay chưa thấy họ đến gom rác nữa. Nhà tôi rác nhiều nên phải bỏ hết vào bao tải, để trước hiên nhà. Chờ không thấy ai đến gom rác, bức quá tôi phải chở các bao rác ra để ở ngoài kia (bãi rác ở gần đường tỉnh lộ 15 – PV) để xã đến chở đi”.

Cùng với đó, nhiều người dân sống tại địa phương cũng cho hay, lãnh đạo xã đã cho xây dựng một bãi tập kết rác gần khu dân cư. Chính điều này cũng gây nên sự khó chịu cho nhiều người khi phải sống gần bãi rác. Đáng nói nhất, khi đi thu phí gom rác, đã xuất biên lai cho người dân, nhưng biên lai này lại không ghi tên loại phí, không để ngày tháng năm, người có chữ kí cũng như tên họ của người thu. Do đó, nhiều người dân cũng lo sợ rằng phải đóng phí gom rác nhiều lần/ tháng cho UBND xã trong khi rác đang ngày càng ùn lên nhiều.  

Cuộc chiến “giành rác” ở Củ Chi (TPHCM): Chủ đường rác “chết đứng”, dân khổ trăm bề

  Biên lai thu phí trống trơn mà UBND xã Tân Thạnh Đông xuất cho người dân

Liên quan đến vấn đề thu gom rác thải tại địa phương, sau khi tiếp nhận phản ánh của các chủ đường rác cùng những chia sẻ của người dân, PV Báo Công lý đã liên hệ UBND huyện Củ Chi và UBND xã Tân Thạnh Đông để xác minh, làm rõ vấn đề. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ câu trả lời nào của 2 cơ quan nói trên về các vấn đề đã nêu ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc chiến “giành rác” ở Củ Chi (TPHCM): Chủ đường rác “chết đứng”, dân khổ trăm bề