Khởi tố vụ án 7 người chết khi chạy thận nhân tạo ở Hòa Bình

Đỗ Việt| 30/05/2017 13:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vụ việc 7 nạn nhân tử vong khi chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình là sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong cùng một thời điểm. Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ nguyên nhân.

Như Báo Công lý đã thông tin, ngày 29/5, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình có 6/18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo bị sốc phản vệ đã tử vong. Đến hết ngày 29/5, đã có 7 bệnh nhân  tử vong và 1 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, 10 bệnh nhân còn lại được chuyển xuống Bệnh viện Bạch Mai để các bác sĩ tiếp tục theo dõi.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã ngừng chạy máy để tập trung cấp cứu các bệnh nhân với phác đồ điều trị sốc phản vệ. Sơ bộ ban đầu, ngành Y tế tỉnh Hòa Bình nhận định, nguyên nhân 7 bệnh nhân tử vong là do sốc phản vệ. Theo nguồn tin của phóng viên, ngày 30/5 Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án để điều tra làm rõ.

Theo đó, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án theo Điều 242 về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.

Khởi tố vụ án 7 người chết khi chạy thận nhân tạo ở Hòa Bình

Đã có 7 người tử vong khi chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình

Trao đổi với PV Báo Công lý về sự việc trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng VPLS Nguyễn Anh, đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết để xác định nguyên nhân 7 bệnh nhân bị tử vong cần thiết lập Hội đồng chuyên môn giải phẫu tử thi làm rõ. Kết luận của cơ quan chuyên môn sẽ là căn cứ xác định giải quyết vụ việc theo qui định của pháp luật.

Luật sư Thơm phân tích, nếu bác sỹ điều trị không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy trình được qui định tại Quyết định 3931/QĐ-BYT ngày 21/9/2015 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh về thận - tiết niệu được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới các bệnh nhân tử vong thì sẽ phải chịu trách nhiệm về Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 242 Bộ luật hình sự 1999.

Khởi tố vụ án 7 người chết khi chạy thận nhân tạo ở Hòa Bình

Luật sư Nguyễn Anh Thơm

Ngoài ra, các bác sỹ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại tính mạng cho các nạn nhân. Do bác sỹ làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, khi hậu quả xảy ra do lỗi của bác sỹ gây ra trong quá trình khám, chữa bệnh thì Bệnh viện phải có trách nhiệm bồi thường cho bệnh nhân theo qui định tại các Điều 591, 597 Bộ luật dân sự 2015

Điều 597. Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra

Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Điều 242. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác

1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 201 của Bộ luật này, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khởi tố vụ án 7 người chết khi chạy thận nhân tạo ở Hòa Bình